Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020

 
 
 
Thực hiện Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, ngày 06/8/2015 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
 
 
 
 
 
 

Theo đó, mục tiêu, yêu cầu Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng là thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, hướng tới một nền kinh tế các-bon thấp, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu để triển khai thực hiện trong toàn ngành Ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý là các nhiệm vụ:

(i) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh;

(ii) Tăng cường năng lực cho hệ thống ngân hàng trong thực hiện ngân hàng xanh - tín dụng xanh thông qua tổ chức đào tạo, tăng cường năng lực cho các tổ chức tín dụng và các cá nhân tham gia xây dựng và triển khai cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng về vai trò, mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; ý thức trong sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng ngày và tổ chức mua sắm công; tích cực hưởng ứng các phong trào về “lối sông xanh”, “tiêu dùng xanh” và các phong trào bảo vệ môi trường; Huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà tài trợ song phương, đa phương nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh.

(iii) Xây dựng các giải pháp nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng - tín dụng xanh, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Trong đó, khuyến khích, tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành/lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển. Thiết lập các giải pháp, chính sách hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng tài trợ cho các ngành kinh tế xanh; Phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường góp phần phục vụ tăng trưởng xanh như phát triển các hình thức, phương tiện thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường nhằm tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, giảm lưu thông tiền giấy trên thị trường; xây dựng kế hoạch lựa chọn một số địa bàn thí điểm ứng dụng các phương pháp, phương tiện thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần xây dựng nông thôn mới với lối sống thân thiện với môi trường.

(iv) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về hoạt động ngân hàng - tín dụng xanh thông qua các hội thảo chuyên đề/hội nghị mở rộng để truyền thông, trao đổi về chính sách tín dụng - ngân hàng xanh; tuyên truyền, phổ biến chính sách, chương trình, hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thông qua trang tin điện tử của NHNN, các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện truyền thông khác.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế được giao làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.

CKH