Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015: Kinh tế 8 tháng đầu năm chuyển biến tích cực
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng thông báo về phiên họp của Chính phủ trong hai ngày 31/8 và 1/9. Theo đó, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới (giá dầu giảm, sự phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và các đồng tiền khác, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán trên thế giới...). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,07%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ lưu ý những biến động khó lường của kinh tế thế giới thời gian qua tác động không nhỏ tới Việt Nam trên cả 2 mặt đan xen, cả thuận lợi, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Thủ tướng yêu cầu các bộ,ngành theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ có điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 hay không, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Đến giờ này, Chính phủ đánh giá, cơ bản với những thông tin có được, chúng ta thống nhất rằng chúng ta không điều chỉnh mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra và cố gắng thực hiện bằng được. Nếu tình hình không có gì xấu hơn thì 13/14 mục tiêu sẽ đạt kế hoạch trong năm nay, dự kiến tăng trưởng vẫn trên 6%”.
Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014 (thời điểm này năm 2014, tín dụng tăng 4,33%). Kết quả cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên cụ thể: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 8/2015 ước đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2014. Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 6/2015: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cuối năm 2014.
Phương Linh