Thi đua - động lực quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ chính trị
Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, Thủ trưởng các đơn vị và cấp ủy, đoàn thể các cấp, công tác thi đua khen thưởng của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã liên tục được đổi mới, đi vào thực chất và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng giúp các đơn vị trong Ngành phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Nhân dịp Đại hội thi đua yêu nước ngành Ngân hàng lần thứ VII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng về nội dung này.
Xin Thống đốc đánh giá tác động của phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, nhất là trong giai đoạn 5 năm vừa qua?
Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Đảng và Bác Hồ “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới. Thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày", trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thi đua khen thưởng trong từng đơn vị gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, chú trọng phát huy sự chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết giữa các đơn vị trong toàn Ngành đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, các phong trào thi đua của ngành Ngân hàng nói chung và các đơn vị trong toàn Ngành nói riêng đã được phát động thường xuyên với nội dung,hình thức phong phú, sinh động, phương pháp tổ chức thực hiện sáng tạo, tiêu biểu như các phong trào: “Thi đua xây dựng cơ chế chính sách, quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng có hiệu quả”; “Cán bộ ngân hàng đạo đức tốt, nghiệp vụ giỏi, vững tin vào hội nhập khu vực và quốc tế, “Thi đua Lao động giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh với phương châm “Tăng tốc - An toàn - Hiệu quả - Chất lượng”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;...Qua các phong trào thi đua đó, đã xuất hiện nhiều sáng kiến, cải tiến quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị;nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đã được các cấp biểu dương, khen thưởng kịp thời, được nhân rộng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ.
Có thể khẳng định rằng, các phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành và của từng đơn vị, tạo khí thế sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng giúp ngành Ngân hàng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Ngân hàng gặp không ít khó khăn, thách thức trong giai đoạn 2011-2015, sự đổi mới về chất của các phong trào thi đua thực sự đã trở thành động lực quan trọng giúp ngành Ngân hàng gắn kết chặt chẽ, nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành để từng bước vượt
qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Thống đốc vừa nói về sức lan tỏa của các phong trào thi đua, vậy với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thống đốc có thể nói rõ hơn về kết quả phát động của NHNN trong thời gian qua?
Như tôi đã nói, một trong những phong trào thi đua tiêu biểu của ngành Ngân hàng trong những năm qualà phong trào thi đua ”Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương phát động, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng với những nội dung, giải pháp rõ ràng, cụ thể và phù hợp. Kế hoạch hành động đã được quán triệt và chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống, từ NHNN trung ương đến các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng với những giải pháp, cách làm sáng tạo, đột phá và đạt được những kết quả tích cực.
Thứ nhất, NHNN đã tham mưu trình Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách lớn, tạo cơ sở quan trọng cho việc thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và mục tiêu của Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các TCTD đã có nhiều đổi mới sáng kiến, cải tiến trong quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Thứ hai, hệ thống Ngân hàng đã tăng cường đầu tư tín dụng, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp các địa phương thực hiện mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có hơn 4 triệu hộ dân và hơn 50 nghìn doanh nghiệp vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn dư nợ tại các ngân hàng thương mại và khoảng 8,5 triệu khách hàng có dư nợtại Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhiều chương trình tín dụng đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai sâu rộng và có hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của các vùng, địa phương, như chương trình cho vay thu mua lương thực xuất khẩu, thu mua lúa tạm trữ nhằm bình ổn giá đối với người nông dân, cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch, cho vay nuôi trồng thủy sản,cho vay tái canh cây cà phê,cho vay thí điểm theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, cho vay đánh bắt xa bờ...
Thứ ba,các TCTD đã tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèotại các địa phương trong cả nước, đồng thời, hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, các TCTD đã đăng ký hỗ trợ trực tiếp cho 44 tỉnh, 32 huyện và 149 xã thực hiện chương trình nông thôn mới,đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội và nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương.
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua của ngành Ngân hàng đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thành và đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Thưa Thống đốc, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần làm gì để phong trào thi đua tiếp tục trở thành động lực thúc đẩy Ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao?
Trong thời gian tới, những thách thức đặt ra cho đất nước nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng còn rất lớn, đòi hỏi các phong trào thi đua phải tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh đã nói “càng khó khăn thì càng phải thi đua”. Với tinh thần đó, công tác thi đua của ngành Ngân hàng cần chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức của cấp ủy Đảng, Lãnh đạo các đơn vị đối với công tác thi đua, khen thưởng. Người đứng đầu các đơn vị cần có sự quan tâm đúng mức để phong trào thi đua thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.
Thứ hai, đổi mới, cải tiến nội dung và phương thức tổ chức thi đua để phong trào thi đua ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn. Các phong trào thi đua phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của Ngành, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức phát huy sáng kiến, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Thứ ba, tiêu chuẩn khen thưởng cần cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét khen thưởng đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Quy trình xét khen thưởng đảm bảo chặt chẽ theo hướng khen thưởng theo công trạng, quan tâm đến người lao động trực tiếp.
Thứ tư, đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiếntạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao và tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong từng tập thể, cá nhân.
Tôi tin tưởng với những nền tảng thi đua được xây dựng và bồi đắp nhiều năm qua, ngành Ngân hàng sẽ hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đang và sẽ giao phó trong thời gian tới.
PV