OECD đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu
Tại Mỹ, thị trường lao động cải thiện và chi tiêu cá nhân đang dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhưng hoạt động đầu tư tiếp tục trầm lắng. Tại khu vực đồng euro, kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh, nhưng thấp hơn kỳ vọng do giá dầu giảm, lãi suất dài hạn ở mức thấp và đồng euro mất giá. Tại Nhật Bản, tình hình kinh tế cải thiện, nhưng lạm phát tăng chậm do căng thẳng trên thị trường lao động đã hạn chế khả năng tăng thu nhập.
Nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc giảm mạnh đang gây tác động lan truyền đến kinh tế toàn cầu, nhất là các nền kinh tế mới nổi có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc và những nước phụ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc. Kinh tế Brazil tiếp tục chìm sâu vào suy thoái, thậm chí tình hình năm 2016 còn ảm đạm hơn. Trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu, duy chỉ có Ấn Độ được kỳ vọng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
OECD dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,4% trong năm nay và tiếp tục tăng 2,6% trong năm 2016, kinh tế vương quốc Anh tăng 2,4% trong năm nay và tăng 2,3% trong năm 2016. Đáng chú ý, kinh tế Canada sẽ tăng mạnh từ mức tăng 1,1% trong năm nay lên 2,1% vào năm 2016, và kinh tế Nhật Bản tăng từ 0,6% trong năm nay lên 1,2% trong năm 2016.
Kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục phục hồi vững chắc với GDP tăng 1,6% trong năm 2015, sau đó tăng 1,9% trong năm 2016. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế giữa các nước trong khu vực có sự khác biệt đáng kể. Kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng 1,6% trong năm nay và tăng 2% trong năm 2016, trong khi kinh tế Italia chỉ tăng 0,7% trong năm nay, trước khi tăng 1,3% vào năm 2016.
Kinh tế Trung Quốc kỳ vọng tăng 6,7% trong năm 2015 và 6,5% trong năm 2016, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 7,2% trong năm nay và tăng 7,3% trong năm 2016, kinh tế Brazil sẽ giảm 2,8% trong năm nay và giảm thêm 0,7% vào năm 2016.
Báo cáo khuyến nghị, cần có chính sách kinh tế vĩ mô toàn cầu nhằm hỗ trợ nhu cầu. Trong đó, các nước phát triển nên tiếp tục chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thích hợp nhằm đảm bảo động lực phục hồi kinh tế. Khu vực euro cần tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng kết hợp với chính sách tài khóa định hướng tăng trưởng, nhằm tạo động lượng mở rộng và gây tác động lan tỏa sang thị trường lao động, thương mại và đầu tư. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc cần có những chính sách kích thích tiếp theo nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng cần đảm bảo tăng trưởng cân bằng và bền vững.
HTT