Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng và 02 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Đ/c Nguyễn Văn Bình - Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; Đ/c Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và các huyện miền núi của 7 tỉnh phụ cận: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Phước. Đây là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Chính vì vậy, trong những năm qua Đảng, Nhà nước rất quan tâm và ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và đảm bảo giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng Tây Nguyên.
Đại tướng Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ sau khi Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách được thực hiện và Biên bản ghi nhớ giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với NHCSXH được ký kết. Chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được triển khai rộng khắp trong vùng Tây Nguyên đã có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về việc thực hiện Đề án này, đồng chí Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, đến 31/10/2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đã đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,68% tổng dư nợ toàn quốc với trên 700 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 42,86% (tương đương 4,9 ngàn tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước 7,76%).
Đồng chí Trần Việt Hùng trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Trong đó, nợ quá hạn 65 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống NHCSXH (0,41%). Số nợ quá hạn giảm tuyệt đối gần 110 tỷ đồng so với cuối năm 2011, số tương đối giảm 1,14% (tỷ lệ năm 2011 là 1,54%), tất cả các chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%. Đây thực sự là một thành công nổi bật trong 03 năm thực hiện Đề án.
Đến nay, có gần 1,2 triệu số lượt khách hàng vay vốn (tăng trên 400 nghìn lượt so với cuối năm 2011) với doanh số cho vay gần 16,5 nghìn tỷ đồng (tăng trên 1,9 nghìn tỷ đồng), đã góp phần giúp trên 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 34,2 nghìn lao động; giúp gần 55 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 1,6 nghìn lượt lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; xây dựng gần 312 nghìn công trình cung cấp nước sạch, và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hàng nghìn căn nhà trả chậm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và nhà ở cho hộ nghèo... góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015, giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2014).
Tuy nhiên, những kết quả khả quan đã đạt được về các chỉ tiêu, chất lượng tín dụng chính sách còn chưa đồng đều giữa các tỉnh; một số chương trình tín dụng vẫn tiềm ẩn rủi ro dễ ảnh hưởng đến việc gia tăng nợ quá hạn; công tác phối kết hợp trong chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, NHCSXH, các Bộ, ngành liên quan với các địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ở Tây Nguyên có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; một vài nơi cấp ủy, chính quyền cơ sở còn thiếu quyết liệt trong công tác xử lý, thu hồi nợ quá hạn.... Bên cạnh đó, nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế. Đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo lớn trong khi nguồn vốn cho vay của tín dụng chính sách còn hạn chế...
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết: Trong 03 năm thực hiện Đề án, NHCSXH đã làm tốt việc xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan theo đúng quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các đối tượng vay vốn NHCSXH, đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND các cấp và các chủ đầu tư khác xử lý số nợ bị rủi ro đối với nguồn vốn uỷ thác đầu tư tại NHCSXH nhằm giải quyết kịp thời các rủi ro khách quan cho hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Có thể khẳng định: Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên đã thành công. Tỷ lệ nợ quá hạn đã xuống thấp bằng bình quân chung của toàn hệ thống NHCSXH và giữ ổn định từ giữa năm 2014 đến nay. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát triển để phục vụ tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vùng Tây Nguyên.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trình bày báo cáo của NHCSXH
Thông qua công tác củng cố, chất lượng tín dụng chính sách trong vùng ngày một nâng cao và phát huy hiệu quả cao hơn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại địa phương, xây dựng tình đoàn kết, trách nhiệm, gắn bó trong cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể, củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cũng khẳng định: Nơi nào được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao thì nơi đó chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao và đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, nhân dân phấn khởi tin tưởng và đồng tình ủng hộ.
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình đã biểu dương thành tích đã đạt được của cả hệ thống NHCSXH trong những năm vừa qua; đồng thời, cảm ơn cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng các buôn, làng, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã luôn sát cánh cùng NHCSXH để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH phát biểu
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng và NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả; phối hợp, tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp để quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống của người dân vùng Tây Nguyên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi tín dụng chính sách tại cơ sở để ngăn ngừa, phát hiện kịp thời vụ việc tiêu cực, hạn chế thấp nhất rủi ro trong thực hiện tín dụng chính sách, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường nguồn vốn các địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn theo phương châm ưu tiên đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại vùng khó khăn, huyện nghèo, xã nghèo nhằm giúp người vay có vốn sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng thương mại, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm có thế mạnh nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong vùng.
Với vai trò là Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện và chỉ đạo NHCSXH quan tâm, chú trọng phân bổ vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại vùng Tây Nguyên, đặc biệt là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho các vùng khó khăn của Tây Nguyên.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang biểu dương những kết quả, thành tích mà NHCSXH, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và lân cận đã đạt được trong thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên từ năm 2012 đến nay.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, bảo đảm tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng chí Trần Đại Quang đề nghị NHCSXH, các Bộ, ban, ngành, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên tập trung thực hiện tốt một số công tác trọng tâm, bao gồm tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của TW Đảng, Chính phủ về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây nguyên. Cần thống nhất nhận thức việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách không chỉ là trách nhiệm của NHCSXH mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của chính các hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Quan tâm chỉ đạo điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận kịp thời nguồn cốn tín dụng chính sách. Tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư... với hoạt đông tín dụng chính sách, bồi dưỡng kiến thực sản xuất, kinh doanh cho người vay vốn. Chỉ đạo đưa kết quả hoạt động tín dụng chính sách vào việc đánh giá thi đua, khen thưởng của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp...
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên cho Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình; Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Thống đốc NHNN tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.
Đại tướng Trần Đại Quang tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên cho Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình
10 tập thể được nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Các cá nhân có thành tích xuất sắc 03 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng