Hội nghị triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 trong ngành Ngân hàng
Tham dự Hội nghị có đại diện Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương; Các đơn vị tại Trụ sở chính NHNN, đơn vị sự nghiệp thuộc NHNN, Văn phòng đại diện NHNN tại TP. Hồ Chí Minh, Nhà máy In tiền Quốc gia; Giám đốc NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố, Tổng Thư ký các Hiệp hội trong ngành Ngân hàng; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam, Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính Quốc gia Việt Nam, Tổng Giám đốc và cán bộ phụ trách pháp chế của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Bộ luật Dân sự là một đạo luật nền tảng, quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cũng như quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự. Các quy định của Bộ luật Dân sự trong các thời kỳ khác nhau (Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự năm 2005) về cơ bản đã có vai trò và tác động to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước. Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 khóa 13, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13). Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 20/2015/L-CTN ngày 08/12/2015. Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 và thay thế Bộ luật Dân sự năm 2005.
Phó Thống đốc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Để đảm bảo điều kiện thi hành cũng như tổ chức triển khai Bộ luật Dân sự năm 2015, tại Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới và phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật Dân sự năm 2015.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao theo kế hoạch và sự phân công của Chính phủ. Chính vì vậy, Hội nghị này không chỉ để tiếp thu, quán triệt các nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt là những nội dung có ảnh hưởng đến hoạt động của ngành Ngân hàng, mà còn là dịp để nghiên cứu, dự kiến những vấn đề cần lưu ý để đưa những nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2015 vào thực tiễn. Trên cơ sở các nội dung được phổ biến tại Hội nghị này, Phó Thống đốc đề nghị các đại biểu tiếp tục tổ chức quán triệt cho cán bộ, công chức, nhân viên trong đơn vị mình hiểu và thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 một cách hiệu quả, thống nhất.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, Thường trực Tổ biên tập dự án Bộ luật Dân sự 2015 đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Ông Nguyễn Hồng Hải – Bộ Tư pháp trình bày tại Hội nghị
Với 689 điều, giảm 88 điều so với Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục là đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ đó. Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự theo Hiến pháp và pháp luật. Việc thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng là một bước quan trọng trong thể chế hóa các nguyên tắc, các quy định của Hiến pháp 2013 về các quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Đại diện Vụ Pháp chế, NHNN, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng đã giới thiệu những nội dung của Bộ luật Dân sự năm 2015 có liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng, như: về nguyên tắc áp dụng, về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, về tài sản và quyền đối với tài sản, về giao dịch dân sự và hợp đồng dân sự và đáng chú ý là các nội dung về lãi suất và các quy định liên quan đến lãi suất, cụ thể là: Bộ luật Dân sư năm 2015 không sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu. Thay vì sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu khi xác định trần lãi suất cho vay cũng như xác định các lãi suất liên quan đến các trách nhiệm dân sự khác như: lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357); lãi suất áp dụng trong trường hợp bên mua hàng đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ (Điều 438), Bộ luật Dân sự 2015 quy định mức trần lãi suất cho vay cụ thể ở mức 20%/năm tại khoản 1, Điều 468 và sử dụng mức lãi suất này làm lãi suất tham chiếu để xác định các lãi suất khác có liên quan. Đồng thời, để đảm bảo có thể thay đổi mức lãi suất tham chiếu linh hoạt khi điều kiện thị trường có sự biến động, Điều 468 Bộ luật Dân sự cũng quy định cơ chế để điều chỉnh lãi suất này, cụ thể: "Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất".
Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về lãi suất phạt chậm trả áp dụng trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm và bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất do không có nội dung quy định cụ thể về hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất như tại Bộ luật Dân sự 2005. Việc áp dụng lãi suất phạt chậm trả trong các trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 357 về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Về mức trần lãi suất cho vay, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Việc quy định cụ thể mức lãi suất tại Bộ luật Dân sự tạo sự rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận và giúp cho các bên tham gia quan hệ dân sự có thể biết được ngay mức trần lãi suất cho vay để điều chỉnh hành vi của mình, cũng như giúp các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp có thể xác định dễ dàng mức lãi suất cho vay các bên thỏa thuận có vi phạm pháp luật hay không, nếu vi phạm thì mức lãi suất cần áp dụng là bao nhiêu.
Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20% trong "trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Theo quy định tại Điều 12 Luật NHNN và khoản 2, 3 Điều 91 Luật các TCTD, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động ngân hàng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt cần có sự can thiệp của Nhà nước, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của TCTD với khách hàng. Như vậy, Bộ luật Dân sự đã loại trừ việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều 468 BLDS cũng quy định cụ thể việc xử lý trong trường hợp các bên thỏa thuận về lãi suất vay vượt trần lãi suất quy định: "Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".
Về lãi suất áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ (lãi suất nợ quá hạn), Khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể, rõ ràng về lãi suất phạt quá hạn áp dụng trong trường hợp bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ: "Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác."
Quy định này làm rõ cơ chế, cách xác định lãi suất nợ quá hạn, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác định lãi suất quá hạn, phù hợp với nguyên tắc và bản chất của quan hệ dân sự, đồng thời, khắc phục bất cập tại BLDS 2005 còn nhiều cách hiểu không thống nhất khi tính lãi suất phạt quá hạn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng tích cực trao đổi, thảo luận các nội dung liên quan đến Bộ luật Dân sự năm 2015, đặc biệt là các nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng.
NH
Ảnh: HM