Hòa trong dòng chảy hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Ngân hàng Việt Nam, tháng 4 này, Nhà máy In tiền Quốc gia cũng sẽ đón chào sự kiện trọng đại của mình: tròn 30 năm nhà máy chính thức được thành lập. Để nhắc nhớ, tri ân và kết nối các thế hệ, chọn một ngày tiết xuân tháng Ba đang độ, Ban lãnh đạo nhà máy đã tổ chức một cuộc hành hương về lại chốn xưa mang tên “Chương trình gặp mặt tri ân các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ” tại địa chỉ đỏ của ngành in tiền - Khu di tích Nhà máy In tiền đặt tại xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Ngược dòng thời gian tìm về với lịch sử, sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ do hậu quả của gần 100 năm dưới sự đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện - một nhà tư sản yêu nước đã đứng tên và bỏ tiền mua lại toàn bộ Nhà in Tô-panh ở Cửa Nam, TP.Hà Nội để hiến tặng cho cách mạng.
Chủ tịch HĐTV Lê Thái Nam đang trao đổi với nguyên Giám đốc Bùi Công Lư về những dấu mốc lịch sử hào hùng của ngành in tiền được gợi nhớ qua các kỷ vật |
Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện. Chính tại nơi đây, tờ bạc 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc “Con trâu xanh” là mệnh giá lớn nhất thuộc Bộ tiền tài chính đầu tiên được in tại Nhà in Tô-panh, số 5 Nam Bộ, một trong những cơ sở đầu tiên in tiền của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tiếp tục được in tại Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Tờ bạc 100 đồng Việt Nam hay còn gọi là “Con trâu xanh” là biểu tượng của ý chí đoàn kết, vươn lên mọi gian khổ của tập thể cán bộ nhà máy in tiền những năm đầu thành lập và những cống hiến đóng góp vô bờ bến của gia đình doanh nhân Đỗ Đình Thiện.
Sau hòa bình lập lại, đất nước bước vào công cuộc tái thiết, để chủ động về phát hành tiền của nước nhà, năm 1984, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng một Nhà máy In tiền Quốc gia hiện đại. Dự án K84 ra đời dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Nghĩa Bình, Giám đốc DA K84. Ngày 22/4/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký quyết định thành lập Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam. Sau 46 năm kể từ khi thành lập nước, chúng ta đã xây dựng được cho mình một nhà máy in tiền hiện đại ngang tầm thế giới, có thể in được tất cả các loại mệnh giá tiền. Đặc biệt, từ năm 2003, với sự ra đời của đồng tiền Polymer, chúng ta đã không chỉ có thể chủ động trong thiết kế, in ấn, phát hành tiền, mà còn in được đồng tiền sạch, đẹp, bền, có giá trị bảo an bảo mật lớn, đảm bảo an ninh và chủ quyền về tiền tệ, đánh dấu sự thay đổi mang tính đột biến rất đáng tự hào của ngành in tiền nước ta.
Từ bấy đến nay, Nhà máy In tiền Quốc gia đã đi vào hoạt động được 30 năm với biết bao thành tích đáng tự hào. Gắn với khoảng thời gian đó là biết bao dấu ấn thăng trầm, biết bao đóng góp âm thầm lặng lẽ nhưng vô cùng quan trọng của các thế hệ cha anh đi trước. Và hôm nay, ngoảnh lại để hồi tưởng. Gặp lại để tri ân. Ban lãnh đạo Nhà máy In tiền Quốc gia đã tổ chức một cuộc hành hương, tìm về chốn xưa - mảnh đất Lạc Thủy nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm một thời gian khó, đơn sơ nhưng đầy ắp tình người của lớp cha anh thuộc thế hệ đầu tiên. Cũng là dịp để các thế hệ sau hiểu hơn về nguồn cội “khởi nghiệp” của các thế hệ đi trước, để biết trân quý, yêu thương và nỗ lực hơn trong hiện tại và tương lai...
Đã 30 năm kể từ khi thành lập, những cán bộ của nhà máy đã nghỉ hưu nay tụ họp đông đủ trên chuyến xe trở về “quê hương” - theo cách gọi của ông Bùi Công Lư, nguyên Giám đốc nhà máy. Đó là lớp thế hệ đã bền bỉ, dày công lát từng viên gạch hình thành lên con đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của nhà máy.
Nay nhiều người đã ở tuổi “mắt mờ, chân chậm”, vết hằn của thời gian đã lưu lại trên gương mặt, nhưng khi gặp nhau, ai nấy đều tay bắt mặt mừng, bồi hồi kể cho nhau nghe ký ức về những năm tháng gian khổ mà hào hùng đã qua. Ngày về với Lạc Thủy, những cơn mưa đầu xuân lất phất rơi càng làm cho khung cảnh thêm nhiều hoài niệm.
Xúc động chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Lê Thái Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà máy đã gửi lời tri ân dung dị, chân thành tới lớp thế hệ đã đi trước. Theo ông Nam, đây là dịp để các thế hệ đi trước và lớp cán bộ, công nhân viên hiện tại của nhà máy cùng hội ngộ để nhắc nhớ về những năm tháng đã qua, cũng là dịp để bày tỏ lòng tri ân với các thế hệ đi trước đã vượt bao khó khăn, đặt từng viên gạch để tạo nên nhà máy của hiện đại hôm nay.
“30 năm đối với lịch sử chỉ là một khoảnh khắc, nhưng đối với nhà máy là cả một chặng đường vẻ vang và đầy thử thách. 30 năm trước, mái đầu các bác, các cô các chú, các anh chị còn xanh, nay đã bạc nhiều, gương mặt cũng đã hằn thêm những vết nhăn của thời gian, có bác cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Có nhiều người trong đó đã đi rất xa, không bao giờ trở về gặp lại chúng ta nữa, sẽ là thiếu sót, nếu chúng ta không dành những giây phút tĩnh lặng nhất để nhớ về họ, cảm ơn những đóng góp của họ trên chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển nhà máy”, ông Nam nghẹn ngào chia sẻ. Ông cũng bày tỏ niềm biết ơn chân thành tới các cán bộ, công nhân viên, từ người lao công, phục vụ bình thường, cho đến các kỹ sư, lãnh đạo các cấp thuộc Nhà máy In tiền trong suốt 30 năm qua.
Trên con đường từ hội trường đi tới khu di tích, nơi Bác Hồ từng làm việc khi lên thăm nhà máy, ông Nguyễn Nghĩa Bình, nguyên Giám đốc đầu tiên của Nhà máy In tiền Quốc gia, mặc dù tuổi đã cao, nhưng khi được trở về chốn xưa, ông trở nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát lạ thường... Niềm vui hạnh phúc hiển lộ trên gương mặt, ông nghẹn ngào cho biết: Quả thực, chưa bao giờ tôi dám nghĩ, có một ngày mình lại có thể gặp được rất nhiều anh em các thế hệ đã từng công tác tại nhà máy từ xưa đến nay như thế này. Bao kỷ niệm ùa về... Những ngày buồn sao bỗng thấy vui vui. Những ngày vui sao bỗng thấy bùi ngùi... Buổi hội ngộ giúp chúng tôi có thể cùng nhau ôn lại nhiều chuyện cũ, cả những điều chưa từng chia sẻ...
Là một trong những người đồng hành cùng sự phát triển của nhà máy ở những năm tháng đầu tiên, ông Bùi Công Lư, nguyên Giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia, vị kế nhiệm ông Nguyễn Nghĩa Bình thì bày tỏ: Đây là niềm tự hào của những người làm trong ngành in tiền, vì vậy, khi đến địa chỉ đỏ này tôi rất xúc động. Vượt qua bao gian khổ mới có được ngày hôm nay. Đối với chúng tôi, nhà máy là một ký ức sâu sắc và không thể nào quên. Thành tích đáng tự hào của chúng ta là đã có nhà máy in tiền hiện đại với những công nghệ tiên tiến nhất được gây dựng từ bao khó khăn thuở ban đầu. Hôm nay những ký ức đó lại ùa về mạnh mẽ. Cuộc đời con người là vô thường, không biết lần hội ngộ sau có còn đầy đủ - câu hỏi của ông Lư khiến cả hội trường chìm trong tĩnh lặng.
Tiếp tục sứ mệnh phục vụ đất nước
Đứng tại nơi 75 năm trước, nhà máy in tiền đầu tiên được “thai nghén”, ông Lê Thái Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên nhà máy cho biết: Nơi đây nhắc cho mỗi chúng ta nhớ về một chặng đường gian khổ của ngành in giấy bạc trong những năm tháng chiến tranh cũng như thời kỳ đầu nhà máy đi vào hoạt động. Chính vì vậy, trách nhiệm của thế hệ đi sau là phải tìm hiểu để tri ân các thế hệ đi trước và nâng niu, trân quý những thành quả không dễ gì có được trong hiện tại.
Các thế hệ lãnh đạo của Nhà máy trong suốt 30 năm qua |
Nhắn nhủ tới lớp thế hệ sau, ông Bùi Công Lư nhấn mạnh: Thế hệ trẻ của Nhà máy In tiền Quốc gia phải phấn đấu rèn luyện cả về phẩm chất và kiến thức. Bởi lẽ, hoạt động in tiền mang đặc thù riêng, nếu không có phẩm chất vững vàng sẽ dễ “sa lầy”. Bên cạnh đó, công nghệ đang ngày càng phát triển cao, nếu không có kiến thức, trình độ thì khả năng tiếp nhận sẽ giảm.
“Vượt qua bao gian khổ mới có được thành quả ngày hôm nay - một thành quả đáng tự hào. Ngành in tiền của chúng ta đã có thể sánh vai với các nước trên thế giới, những công nghệ tiên tiến nhất của thế giới thì hiện nay chúng ta cũng đã có. Đồng tiền của chúng ta cũng được bạn bè thế giới đánh giá cao. Tin tưởng rằng lớp thế hệ sau sẽ tiếp nối sứ mệnh này, tiếp tục phụng sự cho đất nước trong bối cảnh mới”, ông Lư nhấn mạnh.
Báo cáo kết quả với lớp thế hệ đi trước, ông Lê Thái Nam cho biết, nhà máy đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được NHNN giao và có những bước phát triển ấn tượng từ quản trị điều hành, đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Đồng thời nhận định chặng đường phía trước của nhà máy có rất nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng sẽ không ít thách thức, khó khăn, ông Lê Thái Nam nhấn mạnh: trách nhiệm của thế hệ hôm nay là vững bước đi tiếp vì sứ mệnh không ngừng phát triển của nhà máy. Để đến khi kỷ niệm 35 năm, 40 năm và lâu hơn nữa, chúng ta vẫn có thể tự hào báo cáo với thế hệ đi trước rằng: Nhà máy In tiền Quốc gia luôn luôn biết cách vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, luôn tiếp nối sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến hồi kết thúc.
Mưa xuân lắc rắc rơi, hay giọt nước mắt còn lưu giữ trên gương mặt các cô bác... Chỉ biết, sự lưu luyến, bịn rịn, phấn khởi... thì đã kịp hiển sáng trên từng gương mặt. Một ngày ở Chi Nê, Lạc Thủy là thế. Ân tình, ấm áp và ngân vọng dư âm...
Bài và ảnh Quỳnh Trang