Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp (Ảnh: Dương Giang/ TTXVN)
Tham dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cùng các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo bộ, ngành là thành viên Ủy ban; lãnh đạo địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Tham dự tại điểm cầu trực tuyến tại trụ sở NHNN có Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ công tác triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Riêng các Thành viên Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng thuộc các đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh dự tại điểm cầu Chi Cục Quản trị TP. Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người”, trở thành xu thế tất yếu, là yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Trong đó, Đề án 06 là một trong những "điểm sáng", "mô hình hay" của kế hoạch chuyển đổi số. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Việc quyết liệt triển khai Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao từ người dân, doanh nghiệp; góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.
Mặc dù vậy, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Còn có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ.
Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá, thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Đồng thời, cần nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, các vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ; xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện trong phát triển hạ tầng số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối chia sẻ thông tin, hình thành dữ liệu lớn; đào tạo và phát triển nhân lực; mô hình, cách làm hay của một số bộ, ngành, địa phương...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu hội nghị xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá những tháng cuối năm và thời gian tới. Trong đó, tập trung giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung; đẩy mạnh xây dựng, kết nối, tích hợp, chia sẻ các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân; đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Báo Nhân dân Điện tử)
Phát biểu tại Phiên họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN nhất trí cao đối với các báo cáo đánh giá trung tâm, khẳng định những kết quả trong công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 nửa đầu năm 2024 đạt được là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và sự tham gia tích cực của các cơ quan bộ, ngành.
Về quá trình triển khai và kết quả thực hiện chuyển đổi số của NHNN, Thống đốc cho biết, NHNN đã ban hành kế hoạch hoạt động của năm 2024, bao gồm các kế hoạch chuyển đổi số và các giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật trong hoạt động ngân hàng. NHNN là một trong 16 đơn vị Bộ, ngành đã hoàn thành trước nhiệm vụ, kế hoạch chuyển đổi số năm 2024; hoàn thành một số chỉ tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2025; là một trong 19 đơn vị đã ban hành kế hoạch giám sát thực hiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng.
Đối với nhiệm vụ tăng cường kết nối và phát triển hệ sinh thái số trong ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cổng dữ liệu dân cư quốc gia (DLDCQG) là nguồn tài nguyên quan trọng, chính xác giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái số của cả ngành Ngân hàng. Năm 2023, NHNN cùng với Bộ Công an đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, gồm 11 nhiệm vụ trọng tâm và 35 nhiệm vụ cụ thể. Vừa qua, NHNN đã hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho việc kết nối DLDCQG và công tác chuyển đổi số, trong đó vẫn phải bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với các cơ sở pháp luật liên quan (Luật Các tổ chức tín dụng, Luật căn cước, Luật phòng, chống rửa tiền, các quy định về xác thực định danh điện tử,...)
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng và Thành viên Ban chỉ đạo, Tổ công tác triển khai Đề án 06 và Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tham dự tại điểm cầu NHNN
NHNN cũng đưa ra nhiều chỉ đạo tăng cường đối với các đơn vị trực thuộc, yêu cầu các đơn vị chú trọng công tác phối hợp, chia sẻ lẫn nhau với các Bộ, ngành. Theo đó, NHNN yêu cầu Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) trong công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu. Hiện nay, đã có khoảng 50 triệu dữ liệu khách hàng được làm sạch. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN yêu cầu tăng cường kết nối ứng dụng cơ sở dữ liệu dân dân cư (DLDC) trong hoạt động ngân hàng. Đến nay, có 28 TCTD đã hoàn thành ký kết với C06; có 60 TCTD đã ký kết với C06 về việc phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để tiến hành triển khai căn cước công dân gắn chip đối với giao dịch ngân hàng qua mobile app hoặc trực tiếp tại quầy… Ngoài ra, đã có hơn 22 triệu khách hàng đăng ký xác thực giao dịch bằng sinh trắc học, điều này đặc biệt quan trọng trong công cuộc bảo đảm an toàn tài sản cho người dân, đồng thời bảo đảm yếu tố minh bạch trong hoạt động của các TCTD.
Theo Thống đốc, để tích cực triển khai hơn nữa các nhiệm vụ tại Đề án 06 và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, công tác phối hợp và chia sẻ cần được đặt lên hàng đầu. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu, cùng nhau xây dựng một nền tảng chung, một hệ sinh thái số nơi mà các đơn vị có thể chia sẻ dữ liệu một cách nhanh chóng và an toàn. Đối với ngành Ngân hàng cùng các hoạt động mang tính chất tương tác thường xuyên với khách hàng như cho vay tín dụng, gửi tiền, thanh toán..., thì kho dữ liệu chia sẻ chung sẽ góp phần lớn giúp ngăn chặn, loại bỏ các hành vi lừa đảo, giả mạo chiếm đoạt tài sản.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và các bộ, ngành liên quan khác, củng cố và hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật phục vụ công tác chuyển đổi số đáp ứng mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là hoạt động giáo dục tài chính để giúp người dân hiểu đúng và rõ về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong kỷ nguyên số phát triển không ngừng như hiện nay.
HP
Ảnh: Mạnh Thắng