Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015

Đăng ngày: 23/07/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Ngày 22/7/2015, tại TP.Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015. Đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ dự và chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo chính quyền các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tham dự và phát biểu tại Hội nghị.
 
 
 
 
 
 

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 2015 tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GDP) ước đạt trên 213 nghìn tỷ đồng(giá so sánh năm 2010), tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,5% (tương đương cùng kỳ). Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, hiện lúa hè thu xuống giống trên 1,6 triệu ha, đã có hơn 390 nghìn ha lúa được thu hoạch, sản lượng trên 2,1 triệu tấn; về thủy sản, sản lượng ước đạt 1,42 triệu tấn (tăng 2,5% so với cùng kỳ). Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7,8%, giá trị sản xuất đạt 194 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 1994). Đến nay, đã thu hút được khoảng 563 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp khoảng 66,7%, tạo việc làm cho khoảng 60.590 lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 21,4%, trong đó, xuất khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,5%, chủ yếu là gạo, thủy sản, hàng dệt may…

Đến 30/6/2015, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tại địa bàn ĐBSCL ước đạt 295.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với 31/12/2014. Dư nợ cho vay của các TCTD đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 5,23% so với 31/12/2014. Trong đó dư nợ cho vay nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm đạt 22.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay nuôi, chế biến cá tra đạt khoảng 18.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay lúa gạo tại khu vực ĐBSCL đạt khoảng 28.200 tỷ đồng… Do vốn huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 82% nhu cầu vay vốn của vùng nên một phần vốn cho vay được điều chuyển từ các khu vực khác đầu tư cho khu vực này, cho thấy những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc ưu tiên đầu tư phát triển đối với khu vực ĐBSCL. Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tại khu vực ĐBSCL đạt khoảng 23.500 tỷ đồng, chiếm trên 17% tổng dư nợ toàn quốc với hơn 2 triệu khách hàng đang vay vốn, tăng 5,07% so với 31/12/2014.

image

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển kinh tế địa phương của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong vùng và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn, đầu tư tín dụng của khu vực ĐBSCL thậm chí còn cao hơn mức bình quân của cả nước. Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: “Ngân hàng không thiếu vốn đầu tư cho khu vực ĐBSCL. Ngành Ngân hàng luôn xác định khu vực ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm, luôn kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp, người dân có vốn để đầu tư, sản xuất.

Thông tin về một số điểm mới của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Phó Thống đốc nhấn mạnh, Nghị định 55 là chính sách hết sức cởi mở, là bước đột phá trong chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với Luật Hợp tác xã mới, được cộng đồng doanh nghiệp và bà con nông dân hưởng ứng, sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn,vướng mắc trong Nghị định 41 trước đây, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp nói riêng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã trao tặng tượng trưng số tiền 10 tỷ đồng do ngành Ngân hàng tài trợ để xây trụ sở làm việc của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ.

image

Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao tặng tài trợ xây trụ sở làm việc của

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương những nỗ lực của các tỉnh trong vùng ĐBSCL trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng góp phần đảm bảo các chỉ tiêu chung của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp tục quan tâm tới chương trình xây dựng nông thôn mới, khơi dậy tính tự giác, chủ động của người dân để chương trình đi vào thực chất, phục vụ lại đời sống của người dân. Đồng thời, từ nay tới cuối năm, các tỉnh, thành phố trong vùng cần đẩy mạnh cổ phần hóa 25 doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đề ra; tiến tới thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập ,chuyển các đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện sang mô hình công ty cổ phần để nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân cũng như đời sống của viên chức, người lao động trong các đơn vị này.

Để khắc phục những khó khăn của vùng, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế 2011- 2015, đồng thời xây dựng kế hoạch trung hạn 2016- 2020, trong đó quan tâm tới đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân thì phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới để kết nối một cách tự nguyện người nông dân với nhau, kết nối người nông dân với doanh nghiệp và thị trường và quan tâm tới xây dựng thương hiệu nông sản”,

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ các tỉnh trong vùng về cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đầu tư vào nông nghiệp- nông thôn, giáo dục, khoa học và công nghệ, hạ tầng giao thông để vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển bền vững.

Tin, ảnh: Ngọc Quyết