Nới biên độ tỷ giá USD/VND: Tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá

Đăng ngày: 14/08/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa thông báo điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% hiện nay lên +/-2%, có hiệu lực từ 12/8. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề này.
 
 
 
 
 
 

Theo Quyết định số 1595/QĐ-NHNN do NHNN ban hành ngày 11/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, biên độ tỷ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%. Theo đó, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện ở mức 21.673 VND/USD, các ngân hàng được phép điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD lên mức tối đa (trần) là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Động thái này được đưa ra sau khi sáng hôm 11/8, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thông báo phá giá đồng nhân dân tệ, khiến nhân dân tệ mất giá 1,82%. Một đô la Mỹ đổi được tới 6,2298 nhân dân tệ, mức cao nhất kể từ ngày 25/4/2013.

PV: Thưa Bà, Bà có thể cho biết tại sao NHNN lại có động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ ngày 12/8?

NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá là để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế. Từ đầu năm đến nay, trên thị trường quốc tế có nhiều diễn biến nằm ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước, chẳng hạn như giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, sự cộng hưởng của việc Fed dự kiến tăng lãi suất, sự suy thoái của kinh tế Châu Âu và cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp đã làm cho đồng USD tăng giá cao hơn nhiều so với dự kiến của Fed, ngay từ đầu năm, NHNN cũng đã dự báo sẽ có những diễn biến bất thường ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá, xuất khẩu của nước ta nên NHNN đã chủ động điều chỉnh phá giá đồng việt nam 2%. Do vậy, thị trường ngoại hối và tỷ giá về cơ bản là ổn định trong hơn 7 tháng qua. Tuy nhiên việc CNY được điều chỉnh giảm 1,9% trong ngày 11/8/2015, là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, là một cú sốc mới từ bên ngoài, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm. Trung Quốc và các nước châu Á lại là nhóm đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, hơn nữa ta lại đang có nhập siêu lớn từ Trung Quốc thì việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ có tác động bất lợi tới tỷ giá và xuất nhập khẩu của chúng ta. Do vậy, NHNN quyết định nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá, cho hoạt động xuất nhập khẩu trước các tác động bất lợi trên thị trường.

PV: Bà có thể nói rõ hơn tại sao lại điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá mà lại không phá giá?

Như tôi đã đề cập, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá thêm +/-1% sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường. Bởi vậy, việc nới rộng biên độ tỷ giá là động thái phù hợp, giúp tỷ giá linh hoạt hơn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đối phó tốt hơn với rủi ro và bất ổn của thị trường quốc tế.

PV: Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp gì để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối?

Trong thời gian tới, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong biên độ quy định, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp.

PV: Xin cảm ơn Phó Thống đốc.

Phương Linh ghi