Hội thảo “Các giải pháp tăng trưởng xanh”

Đăng ngày: 18/09/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Với vai trò là kênh dẫn vốn chủ yếu trong nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng phải tính đến yếu tố bền vững, hướng tới hệ thống ngân hàng xanh, góp phần phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Đó là một trong những nội dung của Hội thảo “Các giải pháp tăng trưởng xanh” vừa diễn ra ngày 15/9/2015, tại Hà Nội.
 
 
 
 
 
 

Hội thảo do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hội đồng phát triển bền vững quốc gia thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.Đến dự Hội thảo có Đ/c Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Đ/c Thuận Hữu, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, NHNN, VCCI và các chuyên gia, các nhà hoạch định từ các bộ, ngành liên quan, cùng đông đảo phóng viên báo chí đến dự và đưa tin về Hội thảo.

Tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, trong đó có ba nhiệm vụ quan trọng là: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (2) Xanh hóa sản xuất; Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Tại Hội thảo các chuyên gia, các nhà quản lý đã đưa ra những nhận định, đánh giá và kiến nghị về các vấn đề như: Khái niệm tăng trưởng xanh; Giới thiệu các chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Đánh giá quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường, thực trạng ở Việt Nam; Các chính sách về tăng trưởng bền vững; Đánh giá tác động của tình hình môi trường đến tăng trưởng và các giải pháp xử lý vấn đề môi trường tại Việt Nam; Các giải pháp thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh; Các mô hình, kinh nghiệm sản xuất xanh; Định hướng tuyên truyền về chiến lược tăng trưởng xanh... là những thông tin bổ ích đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phù hợp, giúp kinh tế xã hội Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, đặc biệt là những chính sách về môi trường, kinh tế - xã hội.

C:\Documents and Settings\dung\Local Settings\Temp\DSC_1828.JPG

Các nhà quản lý, chuyên gia cùng trao đổi và giải đáp tại Hội thảo

Những vấn đề được nêu tại Hội thảo cũng đang đặt ra cho hệ thống ngân hàng - với vai trò quan trọng là kênh dẫn vốn chủ yếu trong nền kinh tế phải tính đến yếu tố bền vững trong hoạt động kinh doanh, hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế xanh. Các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa bảo đảm đáp ứng đủ nguồn vốn cho phát triển kinh tế, vừa góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và hội nhập. Vai trò của ngân hàng đối với phát triển kinh tế xanh được thể hiện qua các hoạt động cấp tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội, đó là: Thứ nhất, ngân hàng đưa công tác quản lý rủi ro về môi trường và xã hội vào hoạt động thẩm định đầu tư, cấp tín dụng, thúc đẩy các doanh nghiệp được cấp tín dụng phát triển bền vững; Thứ hai, ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới ở những ngành, lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế bền vững, đó sẽ là những dịch vụ tài chính hỗ trợ sự ra đời của các sản phẩm và hoạt động thương mại mang lại lợi ích về môi trường và xã hội, như: tài trợ năng lượng tái tạo, tài trợ tiết kiệm năng lượng, tài trợ các quy trình và công nghệ sản xuất sạch hơn,...

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, ngày 24/3/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với mục tiêu đặt ra ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Châu Anh.