Phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam

Đăng ngày: 22/09/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Ngày 18/9/2015, tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các chuyên gia tư vấn tổ chức buổi Tọa đàm về chính sách và tư vấn “Hỗ trợ phát triển tài chính vi mô.”
 
 
 
 
 
 

Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật do ADB tài trợ không hoàn lại, với mục tiêu là phát triển ngành tài chính vi mô vững mạnh, có khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng, phù hợp với nhóm đối tượng có thu nhập thấp.

Nội dung buổi Tọa đàm là trình bày, giới thiệu của tư vấn về mục đích, những yếu tố cơ bản và cần thiết để phát triển tài chính vi mô vững mạnh, dự kiến kết quả đạt được và xác định những vấn đề cần được ADB hỗ trợ trong tương lai.

Tại buổi Tọa đàm, ông Eiichi Saaki - chuyên gia tài chính cao cấp của ADB đã trình bày sự cần thiết phải phổ cập tài chính. Đó là, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, góp phần cải thiện cuộc sống nhân dân; dịch vụ tài chính được phổ cập sâu rộng sẽ có tác dụng nâng cao tính ổn định của hệ thống tài chính và phát triển kinh tế, là yếu tố quan trọng để tăng trưởng toàn diện. Mục tiêu phát triển tài chính vi mô là cung cấp các dịch vụ tài chính hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và hộ gia đình có thu nhập thấp.

Ngoài ra, ông Eiichi Saaki cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong việc phổ cập tài chính vi mô. Đó là, kinh tế nông thôn Việt Nam còn dựa nhiều vào tiền mặt, cơ sở hạ tầng tài chính còn hạn chế, chi phí giao dịch tài chính còn cao.

image

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Để tăng cường phổ cập tài chính vi mô, ông Eiichi Saaki nhấn mạnh, cần củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia sâu hơn vào thị trường này dưới hình thức mở rộng các phương pháp thanh toán thay thế; tiếp tục đổi mới và chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô.

Ông Lê Trung Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN trình bày mục tiêu, giải pháp phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô. Bao gồm, xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô; nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước về hoạch định chính sách và quản lý hoạt động tài chính vi mô; tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính vi mô; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài chính vi mô. Ông cũng giành nhiều thời gian trình bày khung khổ pháp lý hiện hành điều chỉnh hoạt động tài chính vi mô, và đề xuất giải pháp hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam.

Các chuyên gia tư vấn trình bày mục đích tổng quan về phát triển tài chính vi mô. Đó là, việc phổ cập tài chính sẽ cho phép các đối tượng thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lựa chọn và tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng hoàn trả nợ vay. Để đạt mục tiêu tổng thể này, cần đạt được những mục tiêu cụ thể là: (i) phổ cập tăng trưởng thông qua khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính an toàn và chất lượng; (ii) hỗ trợ Chính phủ trong việc phát triển các dịch vụ tài chính theo định hướng thị trường, đáng tin cậy, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng thu nhập thấp; (iii) giải quyết những vấn đề liên quan đến phổ cập tài chính vi mô với sự hỗ trợ của ADB.

Các chuyên gia tư vấn cũng trình bày những giải pháp cơ bản để triển khai chương trình phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam. Bao gồm: (i) xây dựng môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi để phổ cập tài chính vi mô, mở rộng dịch vụ tài chính vi mô một cách bền vững và theo định hướng thị trường; (ii) nâng cao năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; (iii) nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ tài chính vi mô; (iv) phát triển hạ tầng tài chính hỗ trợ phát triển tài chính vi mô.

Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn đã tập trung phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của môi trường pháp lý hiện hành. Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp cụ thể về hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan đến việc phổ cập tài chính vi mô tại Việt Nam.

HTT