ADB nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Tăng trưởng cao nhờ sản xuất, tiêu dùng
“Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện”, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam phát biểu.
Báo cáo cập nhật của ADB cho biết, tăng trưởng GDP đạt 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2010. Kết quả này có được nhờ ngành công nghiệp đã có mức tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng.
Về phía cầu, theo ADB, lạm phát thấp là động cơ thúc đẩy tiêu dùng tư nhân đạt mức tăng trưởng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cũng được cải thiện với tổng số vốn hình thành tăng 6,9%, nhờ có sự tăng tốc trong tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, cán cân thương mại ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GDP do khối lượng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu gia tăng với tốc độ nhanh hơn xuất khẩu, phản ánh đầu tư và tiêu dùng đều mạnh hơn.
ADB cũng đánh giá, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2015 trên cơ sở tiêu dùng cá nhân, sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng. Theo đó, tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn...
Vì vậy, tại Báo cáo ADOU 2015, ADB đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 lên 6,5% và năm 2016 lên 6,6% thay vì mức 6,1% và 6,2% như dự báo ADO 2015.
Diễn biến lạm phát (Nguồn: ADB)
Về lạm phát, ADB nhận định, lạm phát sẽ tăng đến 2% so với cùng kỳ năm trước tại thời điểm tháng 12/2015 do cầu trong nước tăng cao, tăng trưởng tín dụng và tăng cung tiền, tăng giá xăng dầu và giá điện vào đầu năm nay, cũng như tác động của việc điều chỉnh tỷ giá.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong năm nay thậm chí còn nhẹ hơn so với dự báo đã nêu trong ADO 2015, vì vậy dự báo lạm phát trung bình cả năm đã được điều chỉnh giảm xuống còn 0,9%. Lạm phát sẽ vẫn tăng lên đến 4,0% trong năm 2016. “Lạm phát thấp như vậy có thể sẽ làm cho lãi suất giảm”, Báo cáo của ADB nhận định.
Nợ xấu giảm mạnh
Liên quan đến thị trường tiền tệ, Báo cáo ADOU cho biết, lạm phát thấp cho phép NHNN Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ thích ứng. Từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách 850 điểm cơ bản… Nhờ đó lãi suất cho vay trung bình của các NHTM đã giảm từ mức rất cao 17,0% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Đặc biệt, theo ADB, nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam và phản ứng trước xu hướng mất giá của các đồng tiền châu Á khác, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá của đồng Việt Nam so với đồng đôla Mỹ ba lần trong 8 tháng đầu năm 2015, mỗi lần điều chỉnh tỉ giá tham chiếu 1%. Trong tháng 8, NHNN đã tăng biên độ giao dịch ngoại hối từ 1% lên 3% cả hai chiều tỷ giá tham chiếu.
“Cộng với kỳ vọng đồng tiền tiếp tục giảm giá ở các nền kinh tế châu Á khác, động thái này góp phần làm cho tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla Mỹ trên thị trường tự do giảm 3,4% trong tháng 8”, ADB cho biết.
Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM đã giảm nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và thị trường bất động sản đã có sự hồi phục. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng giảm từ 8,4% hồi tháng 12/2014 xuống 3,7% trong tháng 6/2015.
“Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng 4/2015 đãthu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế. Những quy định mới này cũng giúp tăng cường công tác thanh tra giám sát an toàn trong hệ thống tài chính”, Báo cáo của ADB ghi nhận.
Báo cáo cũng dự báo, tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13-15% và sẽ tăng nhanh hơn trong năm 2016 do cầu tín dụng đang tăng, và những báo cáo cải thiện tình hình nợ xấu và bảng cân đối kế toán của NHTM sẽ tạo điều kiện để tăng cường hoạt động cho vay.
Bên cạnh những thành công, theo ADB, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số thách thức kinh tế vĩ mô đang gia tăng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm ở Trung Quốc – một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam - có thể kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn, trong khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục ở mức thấp sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu đối với những ngành mũi nhọn như dầu lửa và nông nghiệp. “Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam”, ông Sidgwick cho biết. |
Theo thoibaonganhang.vn
- Các tin liên quan
- Công đoàn Nhà máy In tiền Quốc gia gặp mặt, chúc Tết Chủ tịch Công đoàn Nhà máy qua các thời kỳ
- Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thăm, tặng quà Tết và hỗ trợ công trình an sinh xã hội tại Lào Cai
- Ngành Ngân hàng thăm, tặng quà Tết và trao hỗ trợ an sinh xã hội tại Yên Bái
- Hội nghị tổng kết công đoàn năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025
- Hội đàm song phương cấp cao năm 2024 giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào
- Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần được nâng lên ở các cấp, các ngành
- Nhà máy in tiền Quốc gia tham dự Giao lưu thể thao Khối thi đua các tổ chức sự nghiệp Ngân hàng Nhà nước năm 2024
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia
- Nhà máy In tiền Quốc gia tham dự Chương trình Thi đấu thể thao và Giao lưu văn nghệ Cụm thi đua Khối công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Việt Nam khu vực phía Bắc.
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Pakistan thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia