Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016
Báo cáo của Chính phủ đã nêu bật những kết quả đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỉ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao vào những năm cuối; chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên. Năm 2015 tăng trưởng GDP ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%); bình quân 5 năm đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỷ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá đạt trên 5.600 USD).
Quang cảnh phiên họp Quốc hội
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên, năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện và được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước tiến mới. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 19 bậc trong 5 năm.
Cùng với đó, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả khả quan; văn hoá, xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng…
Về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016, Chính phủ dự kiến mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hoà bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tiếp tục xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các chỉ tiêu chủ yếu:
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP. Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm, năm 2016 giảm 1,5%. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.
Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, năm 2016 là 53%. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt khoảng 80% dân số; Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3 - 1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 25 m2, năm 2016 đạt 22,6 m2…
CKH
- Các tin liên quan
- Công đoàn Nhà máy In tiền Quốc gia gặp mặt, chúc Tết Chủ tịch Công đoàn Nhà máy qua các thời kỳ
- Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thăm, tặng quà Tết và hỗ trợ công trình an sinh xã hội tại Lào Cai
- Ngành Ngân hàng thăm, tặng quà Tết và trao hỗ trợ an sinh xã hội tại Yên Bái
- Hội nghị tổng kết công đoàn năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025
- Hội đàm song phương cấp cao năm 2024 giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào
- Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần được nâng lên ở các cấp, các ngành
- Nhà máy in tiền Quốc gia tham dự Giao lưu thể thao Khối thi đua các tổ chức sự nghiệp Ngân hàng Nhà nước năm 2024
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia
- Nhà máy In tiền Quốc gia tham dự Chương trình Thi đấu thể thao và Giao lưu văn nghệ Cụm thi đua Khối công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Việt Nam khu vực phía Bắc.
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Pakistan thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia