Hội thảo “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”

Đăng ngày: 27/10/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Thực hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng trước vận hội và bối cảnh phát triển mới của đất nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” vào ngày 24 tháng 10 năm 2015 (từ 8h00-17h00) tại Khách sạn Sofitel Plaza, số 1 Đường Thanh niên, Hà Nội.
 
 
 
 
 
 

Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.

Qua 30 năm đổi mới (1986-2016),Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, về cơ bản chúng ta vẫn chưa hình thành được các ngành công nghiệp có tính nền tảng cho nền kinh tế; công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phân tán, manh mún, công nghiệp hỗ trợ còn non yếu1. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới được xác định là cần phải đẩy mạnh cơ cấu lại công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian gần đây, cùng với những thay đổi về tình hình phát triển của các nền kinh tế hậu khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và sự thay đổi về vị trí và chiến lược của các quốc gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã cho rằng, Việt Nam có khả năng là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vì vậy, việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới có ý nghĩa hết sức cấp thiết.

Ngành Ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã luôn song hành và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước, xứng đáng với vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế. Cho đến nay, vốn tín dụng ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn từ thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng của đất nước. Phân bổ vốn tín dụng ngày càng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng trước vận hội và bối cảnh phát triển mới của đất nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” vào ngày 24 tháng 10 năm 2015 (từ 8h00-17h00) tại Khách sạn Sofitel Plaza, số 1 Đường Thanh niên, Hà Nội.

Hội thảo sẽ góp phần cung cấp luận cứ cho xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng như tầm nhìn Việt Nam 2035. Đây thực sự là hoạt động khoa học thiết thực hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hội thảo sẽ do Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN, và Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương đồng chủ trì, điều hành với sự tham dự của trên 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ban, ngành TW, các địa phương, các hiệp hội, và các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chuyên gia thông tấn và báo chí. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế với các ý kiến tham luận tại Hội thảo và bài viết cho kỷ yếu, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AMSCHAM Vietnam), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV), Hiệp hội Tony Blair (Anh) Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO)...

Kỷ yếu của Hội thảo bằng tiếng Việt và tiếng Anh tổng hợp 48 bài viết của các tổ chức và chuyên gia trong nước và quốc tế do Nhà xuất bản Đại học KTQD cấp phép. Sau Hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng Bản tổng hợp kiến nghị của Hội thảo với mong muốn có những đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.

NHNN xin trân trọng thông báo.

NHNN.