Tín dụng chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống

Đăng ngày: 03/03/2016 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc tại Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ (2011 - 2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra ngày 27/2/2016, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn dân tộc và miền núi, được thể chế bằng các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với 154 chính sách, thể hiện ở 243 văn bản, bao gồm cả Nghị định, Quyết định sửa đổi. Kinh phí để thực hiện các chính sách dân tộc được đa dạng hóa từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước là chủ yếu. Ngoài ra còn nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và ngân sách địa phương.
 
 
 
 
 
 

Việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực được công khai minh bạch và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện. Hệ thống chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình 135 giai đoạn 3 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn), góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 366 thôn bản của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

Trong hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011 – 2015, có chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện như: Cho vay hộ nghèo, học sinh và sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay hỗ trợ nhà ở… đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn được thụ hưởng các chương trình dành riêng đối với hộ dân tộc thiểu số như: Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg…

Với dư nợ cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đến hết năm 2015 đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp trên 658 nghìn hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 56 nghìn lao động, trong đó có trên 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 96 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng trên 92 nghìn căn nhà cho hộ nghèo chưa có nhà ở, xây dựng gần 513 nghìn công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn…

Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục tập trung, ưu tiên nguồn vốn cho vay hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc nhận thức đúng đắn, trách nhiệm của người vay trong việc sử dụng vốn vay đạt hiệu quả, đúng mục đích, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

 My