Nhà máy In tiền Quốc gia: Hành trình chinh phục những tầm cao

Đăng ngày: 16/04/2021 -

Mỗi độ tháng Tư về, khi những cánh hoa loa kèn bung sắc trắng dịu dàng tinh khôi thì cũng là lúc Nhà máy In tiền Quốc gia háo hức đón chào ngày sinh nhật của mình. Năm nay, niềm vui đó càng được nhân lên và trở nên ý nghĩa hơn khi Nhà máy In tiền Quốc gia kỷ niệm tròn 30 năm ngày thành lập (22/4/1991 – 22/4/2021), trong không khí toàn ngành Ngân hàng cũng hướng tới kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển.

 

30 năm hòa trong dòng chảy 70 năm không ngừng lớn mạnh của toàn ngành Ngân hàng, dù ở bất kỳ thời điểm nào, Nhà máy In tiền Quốc gia cũng luôn thực hiện tốt sứ mệnh chính trị cao cả của mình là sản xuất được đủ nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế, đảm bảo cho lưu thông tiền tệ, đảm bảo dự trữ và an ninh tiền tệ quốc gia.

 

Từ "giấy bạc Cụ Hồ" sau Cách mạng tháng Tám

 

Ngược dòng thời gian, ngay sau thắng lợi Cách mạng tháng 8/1945, việc cấp thiết nhất đặt ra lúc bấy giờ là tổ chức in và phát hành đồng tiền của chính quyền cách mạng để phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và đấu tranh với địch trên mặt trận tài chính, tiền tệ. Ngày 15/11/1945 Cơ quan ấn loát thuộc Bộ Tài chính được thành lập. Chỉ sau thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ tháng 12/1945 những Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho phép Bộ Tài chính phát hành đồng tiền Việt Nam loại 2 hào nhôm. Tiếp đó ngày 31/1/1946 Chính phủ ra sắc lệnh số 18/6 cho phép phát hành giấy bạc Việt Nam tại miền Nam Trung bộ, từ vĩ tuyến 16 trở ra. Đồng tiền Việt Nam lúc đó được nhân dân vô cùng yêu quý, trân trọng gọi bằng cái tên rất thiêng liêng “giấy bạc Cụ Hồ”.

 

Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chỉ với máy móc, vật tư thô sơ, nhưng các nhà máy in tiền ở khắp Bắc, Trung, Nam từ các nhà máy đầu tiên Tô Panh - Hà Nội, Khánh Thi - Tuyên Quang, tới nhà in Ngô Tử Hạ - Thành phố Huế, cơ sở in tiền ở Hương Khê - Hà Tĩnh, chiến khu Đồng Tháp Mười, thậm chí cả trong rừng U Minh, Cà Mau, dù ở đâu ngành in tiền cũng đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng tiền cho công cuộc kháng chiến.

 

nha may in tien quoc gia hanh trinh chinh phuc nhung tam cao
Các thế hệ lãnh đạo Nhà máy In tiền Quốc gia sau 30 năm hình thành và phát triển
 
 

Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam với một trong những nhiệm vụ là phát hành giấy bạc và điều hòa sự lưu hành tiền tệ. Từ năm 1951 đến trước năm 1991, tất cả những cơ sở in tiền của Ngân hàng chỉ có công nghệ in offset thương mại nên chỉ in được những đồng tiền có mệnh giá thấp. Những đồng tiền mệnh giá cao, đòi hỏi kỹ thuật cao chúng ta phải nhờ vào sự giúp đỡ của các nước trong phe XHCN.

 

Những năm trước đổi mới, đất nước có nhiều chuyển biến, nhưng nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn, lạm phát còn ở mức cao, tiền và hàng hóa đều khan hiếm. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước XHCN có nhiều khó khăn, biến động. Với tầm nhìn chiến lược, năm 1983, Bộ Chính trị quyết định chủ trương xây dựng một nhà máy in tiền mới để chủ động in tiền ở trong nước, đảm bảo an ninh tiền tệ và phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong điều kiện đất nước bị bao vây cấm vận và còn hết sức khó khăn, Đảng, Chính phủ quyết định giành nguồn lực cho một số ít các công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án xây dựng Nhà máy In tiền. Dự án được chính thức phê duyệt năm 1984 và giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ngày đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và ông Nguyễn Nghĩa Bình được cử làm Giám đốc Dự án.

 

Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sau 7 năm quyết liệt triển khai thực hiện, năm 1991 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ngày 22/4/1991, Nhà máy In tiền Quốc gia chính thức được thành lập theo quyết định số 136/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện trọng đại này được xem là một dấu mốc có ý nghĩa to lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của hoạt động in tiền của Việt Nam.

 

Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của Nhà máy In tiền Quốc gia, nguyên Giám đốc Bùi Công Lư cho biết: Sau 46 năm kể từ khi thành lập nước, chúng ta đã xây dựng được một nhà máy in tiền hiện đại ngang tầm thế giới. Từ đây lần đầu tiên chúng ta hoàn toàn chủ động trong thiết kế, in ấn, phát hành tiền; không chỉ đảm bảo an ninh và chủ quyền về tiền tệ mà còn đánh dấu sự thay đổi mang tính đột biến rất đáng tự hào của ngành in tiền Việt Nam. Việc Nhà máy In tiền Quốc gia ra đời được nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá là một việc làm vô cùng sáng suốt và thắng lợi của Nhà nước ta. Ước nguyện bao năm của những người thợ in tiền về một cơ sở in tiền có công nghệ ngang tầm thế giới cũng đã thành hiện thực.

 

Ngay sau khi được thành lập, Nhà máy đã đảm nhận trọng trách là cơ sở chủ lực trong in tiền, nhất là in các đồng tiền có công nghệ bảo an cao cho nền kinh tế. Mặc dù quy mô công suất ban đầu khá khiêm tốn, khoảng 500 triệu sản phẩm/năm, nhưng với tinh thần trách nhiệm và sáng tạo, Nhà máy In tiền Quốc gia, đã phát huy cao độ mọi nguồn lực, sản xuất đáp ứng kịp thời, đầy đủ tiền mặt theo yêu cầu của nền kinh tế; chấm dứt hoàn toàn việc phải in tiền tại nước ngoài.

 

Đến bộ tiền Polymer đang lưu hành

 

Cũng từ năm 2001, Nhà máy được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là chuẩn bị sản xuất bộ tiền mới sử dụng chất liệu Polymer để nâng cao chất lượng và khả năng bảo an của đồng tiền trong lưu thông. Đồng tiền mới với chất liệu in hoàn toàn mới, kỹ thuật sản xuất cũng có những khác biệt với công nghệ hiện có. Trong bối cảnh quy mô công suất rất hạn chế, việc triển khai nhiệm vụ lại rất lớn, khẩn trương và phải tuyệt đối an toàn, an ninh bí mật nhà nước; vừa sản xuất vừa đầu tư bổ sung thiết bị công nghệ là những thách thức vô cùng lớn đối với Nhà máy lúc bấy giờ.

 

Song được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng từ ngày đầu in tiền sau Cách mạng tháng Tám, với sự quyết tâm sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật nhà máy, chỉ sau vài năm những người thợ in tiền, những cán bộ kỹ thuật của Nhà máy đã mau chóng nắm bắt và làm chủ được công nghệ in tiền vào sản xuất.

 

“Nếu như trước năm 1991, chúng ta mới chỉ in được những đồng tiền mệnh giá nhỏ bằng công nghệ in offset thông thường, dẫn đến người làm thật cũng dễ mà kẻ làm giả cũng dễ; thì đến năm 2003, kể từ khi chuyển sang in bộ tiền Polymer, chất lượng đồng tiền của chúng ta tốt hơn hẳn. Không chỉ sạch, đẹp, bền, tiện sử dụng mà còn đảm bảo tính bảo an, độ chống giả cao”... Kỹ sư Trương Đông Hải, nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng phòng kỹ thuật Nhà máy In tiền Quốc gia nhận định.

 

Chúng ta đã tiếp cận và nắm bắt công nghệ hiện đại nhất về in tiền. Thậm chí, giờ đây, sau 30 năm đổi mới và phát triển, với thiết bị công nghệ và nhân lực hiện có, Nhà máy có thể chủ động được cả khâu chế bản và in tiền trên các loại chất liệu: cotton, polymer và hỗn hợp. Đồng tiền lưu niệm kỷ niệm 65 năm thành lập ngành vừa được phát hành vừa qua, được chế bản hoàn toàn tại Nhà máy là một minh chứng sinh động. Nhờ vậy, chúng ta đã có thể chủ động mọi vấn đề liên quan đến in và phát hành tiền, như số lượng, bảo an, chất lượng, thẩm mỹ và chi phí.

 

Đến giai đoạn 2015-2020, nền kinh tế nước ta phát triển với tốc độ nhanh mạnh hơn, nhu cầu tiền mặt theo đó cũng lớn hơn, vì vậy khối lượng công việc của Nhà máy cũng tăng gấp 2-3 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Nhà máy đã có nhiều nỗ lực đổi mới quản trị, điều hành và nghiên cứu ứng dụng, nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ do NHNN giao, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định và tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ.

 

Theo nhận định của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt sẽ làm giảm tốc độ tăng tiền mặt và tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Tuy nhiên, giá trị và số lượng tiền mặt trong lưu thông vẫn sẽ tăng lên theo quy mô, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và lạm phát. Ước tính trong 5-10 năm tới, nhu cầu in tiền vẫn ổn định và tăng nhẹ.

 

Điều này sẽ đặt trọng trách đối với Nhà máy In tiền Quốc gia ngày càng lớn hơn. Khi mà, điều kiện cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị, kho tàng sau 30 năm đi vào hoạt động đã ngày càng bị xuống cấp, và trở nên chật hẹp. Chưa kể, nếu NHNN giao thêm nhiệm vụ cán luyện, đúc dập vàng miếng thì việc duy trì sản xuất và tăng sản lượng sẽ là thách thức lớn hơn nhiều đối với Nhà máy do phải đầu tư mới về thiết bị, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực...

 

Sức bật của tuổi 30

 

Giờ đây, sau 30 năm nhìn lại một chặng đường, có thể nói, hành trang mang theo của Nhà máy In tiền Quốc gia là biết bao thành tích đáng tự hào được bồi đắp, kết tinh và lan tỏa của toàn bộ tập thể cán bộ công nhân viên các thế hệ.

 

Thời gian đóng góp ngắn dài khác nhau, dấu ấn điều hành để lại cũng khác nhau, nhưng chung và trên hết, những người cầm lái trên cương vị đứng đầu Nhà máy In tiền Quốc gia, họ đều đã cùng với tập thể của mình tỏa sáng bằng những thành tích vượt trội đáng tự hào. Và những thành tích, những đóng góp âm thầm lặng lẽ của các thế hệ Nhà máy In tiền Quốc gia đã được đền đáp và ghi nhận thông qua một loạt các danh hiệu thi đua cao quý mà Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng trao tặng, như các Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của NHNN, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Thống đốc NHNN…

 

Vinh dự càng cao, trọng trách lại càng lớn. Là một Nhà máy in tiền Quốc gia, bản thân tên gọi đó cũng đã hàm chứa nhiệm vụ chính trị cao cả nặng nề mà Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng giao phó. Để xứng tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà máy In tiền Quốc gia Lê Thái Nam chia sẻ, thời gian tới, Nhà máy sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó, sáng tạo và khát vọng vươn lên để không những làm chủ công nghệ in ấn ở trình độ cao, mà còn làm chủ được toàn diện, từ khâu chế bản, in ấn, quản lý chất lượng, sản xuất mực in... trên nền tảng thiết bị, công nghệ tiên tiến; nâng cao trình độ quản trị, điều hành trong mọi mặt hoạt động, đáp ứng yêu cầu của NHNN và của công chúng về đồng tiền Việt Nam đẹp, chất lượng,khả năng chống giả cao...; để đến năm 2030, trở thành Nhà máy In tiền Quốc gia hiện đại, có khả năng làm chủ công nghệ thiết kế, chế bản, in ấn và công nghệ sản xuất mực in tiền, đáp ứng các tiêu chuẩn đồng tiền mang tầm quốc tế.

 

Bùi Sim Sim