Hội thảo khoa học giới thiệu, kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ

Đăng ngày: 09/05/2024 - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày 8/5, Viện chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo Khoa học giới thiệu, trao đổi kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “ Ứng dụng phương pháp và hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều trong công tác kế toán quản trị tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị thuộc NHNN; đại diện một số NHTM; đại diện một số công ty kiểm toán; đại diện một số Trường đại học…
 
 

Quang cảnh hội thảo
 

Đề tài “Ứng dụng phương pháp và hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều trong công tác kế toán quản trị tại các ngân hàng thương mại Việt Nam” do PGS.TS.Nguyễn Minh Phương– Phó Trưởng Bộ môn kế toán ngân hàng, Học viện Ngân hàng làm Chủ nhiệm.Tại buổi Hội thảo PGS.TS. Nguyễn Minh Phương và nhóm Đề tài đã trình bày tóm tắt nội dung và tính cấp thiết của đề tài.

Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài cho biết, khi thực hiện đề tài này, nhóm nghiên cứu nhận thức rõ ràng các vấn đề như sau:

Một là, sự cần thiết của đề tài nghiên cứu thể hiện ở những mặt: Kế toán quản trị (KTQT) có chức năng quan trọng, hỗ trợ cho việc ra quyết định của các nhà quản trị. Chức năng quan trọng của KTQT trong ngân hàng. Xây dựng và vận hành một hệ thống KTQT hiện đại là một nhu cầu cấp thiết và mang tính thời sự giúp cho các ngân hàng tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Yêu cầu của pháp luật về kế toán quản trị. Hiện nay KTQT đã được quy định trong các văn bản pháp luật như Luật Kế toán 2015, Thông tư 53/2006/TT-BTC về hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp thể hiện vai trò và sự cần thiết phải thực hiện KTQT trong doanh nghiệp.

image

Đại diện nhóm đề tài trình bày tóm tắt các nội dung nghiên cứu của Đề tài

Các nước trên thế giới đã áp dụng kế toán quản trị vào Ngân hàng thương mại từ khá sớm và đạt nhiều thành tựu. nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới như DBS, OCBC, UOB, RBS (Singapore), Westpac, Macquarie (Australia), Sumitrust, Johnan Shinkin (Nhật Bản) đã triển khai hệ thống MPA từ đầu những năm 2000. Các ngân hàng tiên phong thực hiện triển khai hệ thống này theo khảo sát đã nắm được nhiều lợi thế cạnh tranh trong một khoảng thời gian cho đến khi các ngân hàng khác bắt kịp (BIDV, 2017). Các giá trị mà KTQT với phương pháp MPA đang dần được khẳng định.

Hai là, về tính cấp bách của đề tài. Hoạt động của ngân hàng sử dụng kế toán quản trị ngày càng lành mạnh, minh bạch, ra quyết định kịp thời; Thực tiễn ứng dụng MPA trong KTQT khá đa dạng, cần có sự tổng kết để thấy được mức độ phát triển của KTQT thông qua MPA để có phương hướng phát triển kế tiếp.

Ba là, về ý nghĩa lý luận. KTQT ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Hệ thống KTQT theo MPA chính là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho bộ phận tài chính ở các ngân hàng hiện đại hàng đầu. MPA góp phần quan trọng vào mô hình quản lý tài chính hiện đại, hỗ trợ Ngân hàng đưa ra các quyết định kinh doanh. Tuy nhiên hiện nay, chưa có nghiên cứu nào làm rõ phương pháp áp dụng MPA hiện nay là phương pháp nào, đánh giá khả năng ứng dụng đối với các NHTM là gì…Việc nghiên cứu về kế toán quản trị trong NHTM sẽ hệ thống hóa về mặt lý thuyết và tạo cơ sở cho sự phát triển về KTQT trong NHTM.

Bốn là, về ý nghĩa thực tiễn. Thực tế áp dụng KTQT thông qua MPA còn hạn chế.Ý nghĩa của việc nghiên cứu tổng thể, nghiêm túc về KTQT theo MPA có tác dụng quan trọng với các NHTM Là cơ hội để rà soát mức độ phù hợp của các quy định pháp luật.

Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài cũng nêu mục tiêu chung của đề tàiNghiên cứu về phân tích lợi nhuận đa chiều (MPA)  quá trình triển khai MPA tại một số NHTM Việt Nam điển hình để từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng MPA rộng rãi hơn tại các NHTM Việt Nam.

Còn mục tiêu cụ thể nhằm làm rõ các vấn đề lý thuyết về phương pháp và hệ thống MPA. Nghiên cứu kinh nghiệm ứng dụng MPA tại một số ngân hàng trên thế giới. Đánh giá thực tiễn ứng dụng MPA tại một số NHTM Việt Nam. Phân tích, làm  các bài học thành công, thất bại  chỉ ra nguyên nhân. Đề xuất các giải pháp ứng dụng rộng rãi MPA tại các NHTM Việt Nam.

Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã giải quuyết được các mục tiêu cơ bản đặt ra, bao gồm:

Thứ nhất, chương 1 của đề tài đã hệ thống hóa và khái quát lý luận về kế toán quản trị, sau đó đi sâu vào khái niệm, cơ sở lý luận, tổ chức hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều MPA. Một trong những vấn đề cốt lõi của phân tích lợi nhuận đa chiều là phương pháp phân bổ và việc sử dụng kết quả phân bổ trong phân tích như thế nào để hỗ trợ hoạt động quản trị tại ngân hàng thương mại đã được nhóm nghiên cứu làm rõ. Chương 1 còn đề cập tới những nhân tố ảnh hưởng tới việc triển khai phương pháp và hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều tại các NHTM, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và bài học đưa ra cho các NHTM Việt Nam.

Thứ hai, trong chương 2, nhóm nghiên cứu đã mô tả rất kỹ lưỡng thực trạng ứng dụng MPA tại hai nhóm NHTM theo các vấn đề lớn như: vấn đề cơ cấu tổ chức, dữ liệu trong phân tích, phương pháp phân bổ, các chiều báo cáo tổng hợp, ứng dụng kết quả MPA vào hoạt động quản trị của NHTM. Cũng trong chương này, nhóm nghiên cứu sử dụng mô hình định lượng để nghiên cứu tác động của các nhân tố tới MPA, trong đó bàn luận về mô hình, kết quả nghiên cứu và thảo luận về tác động của các nhân tố một cách rõ ràng. Phần cuối của chương 2, nhóm tiến hành đánh giá ở các khía cạnh như: Các kết quả đạt được trong thời gian qua, những hạn chế trong thực tiễn triển khai MPA, nguyên nhân của hạn chế đó là gì?

Thứ ba, trong chương 3, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp một hệ thống các gợi ý chính sách nhằm ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa MPA trong kế toán quản trị cho các NHTM Việt Nam, bao gồm câc giải pháp mang tính định hướng, chiến lược và nhóm giải pháp mang tính cụ thể và khả thi.

Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi một số vấn đề từ kết quả đề tài như: Đánh giá nhu cầu quản trị; Đánh giá thực trạng dữ liệu  phân tích các chênh lệch đáp ứng; Đánh giá thực trạng dữ liệu  phân tích các chênh lệch đáp ứng; Ứng dụng kết quả hệ thống MPA vào các hoạt động quản trị NHTM…

NN