Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần được nâng lên ở các cấp, các ngành
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị
Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung tâm có đại diện Lãnh đạo: Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của ngành Ngân hàng cùng đại diện Lãnh đạo: Đảng ủy Cơ quan NHTW, Công đoàn Cơ quan NHNN Trung ương, Đoàn Thanh niên NHTW; đại diện các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố tại 63 điểm cầu, các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội,…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Để hướng dẫn kịp thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 nhằm hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quang cảnh Hội nghị
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; trong đó nêu rõ “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”; Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thể chế hóa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc xây dựng và thực hành Quy chế dân chủ cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo là: Việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải đặt trong tổng thể cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để người lao động được bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ có chất lượng và hiệu quả; Tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Với mong muốn trang bị thêm những nội dung mang tính chuyên sâu kết hợp với kinh nghiệm từ hoạt động thực tế của các đồng chí có thời gian dài tham gia thực hiện công tác dân chủ cơ sở, Phó Thống đốc đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị tập trung lắng nghe các nội dung trình bày của các báo cáo viên; tích cực trao đổi, thảo luận với tinh thần cầu thị, nắm bắt các vấn đề thật chắc, thật kỹ để sau Hội nghị này, mỗi người có thể áp dụng ngay những kiến thức, những hiểu biết đã được trao đổi, truyền đạt vào thực tiễn hoạt động của đơn vị mình.
Đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước trình bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hữu Ngọ - Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương đã phố biển, giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và một số nội dung hướng dẫn Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã truyền đạt các nội dung cơ bản về Nghị định 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cũng tại Hội nghị, các báo cáo viên đã giải đáp những chuyên đề thiết thực và bổ ích trên cả phương diện lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn, qua đó giúp cán bộ công đoàn thực hiện ngày càng tốt hơn công tác phối hợp với Thủ trưởng cơ quan đơn vị thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ cơ sở nhằm công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị… tạo sự đoàn kết nội bộ, sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trình bày tại Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc một lần nữa khẳng định vai trò và ý nghĩa thiết thực của Hội nghị tập huấn, phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ cơ sở số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022.
Theo Phó Thống đốc, Hội nghị đã phát huy tính dân chủ gắn với nâng cao dân trí, nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần phải được nâng lên ở các cấp, các ngành thông qua việc công khai, minh bạch, trách nhiệm, cải cách hành chính, công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý đơn thư, tinh thần thái độ phục vụ, đạo đức công vụ, công tác tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động... gắn phát huy dân chủ với cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Phó Thống đốc yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu các tài liệu, các kiến thức đã được truyền đạt tại Hội nghị để vận dụng, thực hiện và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai tại đơn vị mình và tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và thống nhất. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị để thực hiện làm tốt hơn nữa công tác này.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp cũng cần thấy được vai trò, trách nhiệm to lớn của tổ chức Công đoàn là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, phát huy hết trách nhiệm và quyền hạn để làm sao có cái nhìn thực sự dân chủ, khách quan, phát huy quyền kiểm tra, giám sát, xây dựng, đóng góp của mỗi đoàn viên, người lao động trong đơn vị. Đây là yếu tố rất quan trọng, là căn cốt, cội nguồn cho sự đoàn kết, thống nhất trong một đơn vị.
Hà My - Ảnh: MT
- Các tin liên quan
- Hội nghị tổng kết công đoàn năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025
- Hội đàm song phương cấp cao năm 2024 giữa NHNN Việt Nam và Ngân hàng CHDCND Lào
- Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ cần được nâng lên ở các cấp, các ngành
- Nhà máy in tiền Quốc gia tham dự Giao lưu thể thao Khối thi đua các tổ chức sự nghiệp Ngân hàng Nhà nước năm 2024
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia
- Nhà máy In tiền Quốc gia tham dự Chương trình Thi đấu thể thao và Giao lưu văn nghệ Cụm thi đua Khối công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Việt Nam khu vực phía Bắc.
- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Pakistan thăm và làm việc tại Nhà máy In tiền Quốc gia
- CÔNG ĐOÀN NHÀ MÁY IN TIỀN QUỐC GIA CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10
- CÔNG ĐOÀN NHÀ MÁY IN TIỀN QUỐC GIA ĐOẠT GIẢI BA VÀ GIẢI PHONG CÁCH GIẢI BÓNG ĐÁ MINI QUẬN CẦU GIẤY NĂM 2024
- CÔNG ĐOÀN NHÀ MÁY IN TIỀN QUỐC GIA CHUNG TAY ỦNG HỘ ĐỒNG BÀO MIỀN BẮC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BÃO SỐ 3