Chiến lược phát triển Nhà máy In tiền Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

          Chiến lược phát triển Nhà máy In tiền Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 1815/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022. Những nội dung chính như sau:
          I. SỨ MỆNH, TẦM NHÌN VÀ GIÁ TRỊ CỐT LÕI
          1. Sứ mệnh
          Nhà máy thực hiện in tất cả các mệnh giá tiền theo yêu cầu của NHNN; các giấy tờ có giá như tiền; đúc tiền; sản xuất vàng miếng và các vật phẩm lưu niệm bằng vàng theo yêu cầu, nhiệm vụ do NHNN giao, đảm bảo chất lượng, khả năng chống giả cao, an toàn sản xuất và hiệu quả về chi phí.
          2. Tầm nhìn đến năm 2030
          Xây dựng Nhà máy hiện đại về công nghệ, quản trị và văn hóa doanh nghiệp; đạt các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng, môi trường và an toàn sức khỏe nghề nghiệp; tạo môi trường thân thiện cho sự phát triển của cán bộ công nhân viên Nhà máy; đáp ứng yêu cầu của NHNN và của công chúng về đồng tiền có chất lượng, khả năng chống giả cao, phù hợp với xử lý bằng máy; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
          3. Giá trị cốt lõi
          - Chính trực: Trung thực, liêm chính, nói đi đôi với làm và tuân theo các  chuẩn mực đạo đức.
          - Công bằng: Đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của cán bộ công nhân viên Nhà máy; tôn trọng, đối xử bình đẳng, công bằng với người lao động và với các đối tác.
          - Kỷ cương: Tuân thủ luật pháp, quy định của NHNN, quy chế nội bộ, quy trình công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng và định mức kinh tế - kỹ thuật trong in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng.
          - Sáng tạo: Nghiên cứu ứng dụng, nâng cao năng lực kỹ thuật, công nghệ và đổi mới quản trị, điều hành; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và nâng cao chất lượng đồng tiền, hiệu quả sản xuất.
          - Trách nhiệm: Hoàn thành nhiệm vụ in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng cả về số lượng, chất lượng và tiến độ; đảm bảo an ninh, an toàn, tiết kiệm trong sản xuất, thân thiện với môi trường và tích cực tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội.
          4. Triết lý hoạt động
          Kỷ cương - An toàn - Chất lượng - Hiệu quả
          II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
          1. Mục tiêu
          - Phát huy năng lực thiết bị công nghệ, nâng cao năng suất lao động để đảm đương in tất cả các mệnh giá tiền theo yêu cầu của NHNN.
          - Nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động sản xuất.
          - Làm chủ công nghệ in bảo an, đảm bảo khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ in tiền và nhiệm vụ khác do NHNN giao.
          - Đổi mới, hiện đại hóa quản trị Nhà máy; tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD.
          - Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
          2. Giải pháp thực hiện
          - Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm, ứng dụng để nắm bắt kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.
          - Đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại: áp dụng các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế về quản trị doanh nghiệp; cải tiến quy trình công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất; bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế nội bộ; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả tổ chức quản lý sản xuất.
          - Phát triển nguồn nhân lực: xây dựng hệ thống quản trị nhân lực hiện đại, khung năng lực và đánh giá năng lực; hệ thống thang bảng lương phù hợp; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật công nghệ, nhất là đào tạo chuyên gia kỹ thuật và đào tạo nghề; thực hiện đào tạo đa chiều, đào tạo liên tục trong công việc, đảm bảo sự linh hoạt và nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng lao động; xây dựng hệ thống đòn bẩy khuyến khích sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
          - Phát huy năng lực sản xuất của nhà xưởng, thiết bị hiện có đáp ứng yêu cầu sản xuất, vệ sinh công nghiệp và an toàn lao động.
          - Tăng cường quản lý chất lượng trong tất cả các khâu sản xuất: nâng cao tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm; hoàn thiện quy trình, phương pháp kiểm tra và tiêu chuẩn kiểm tra, kiểm định chất lượng nguyên vật liệu và bán thành phẩm, thành phẩm trong quá trình sản xuất.
          - Đảm bảo an ninh, an toàn sản xuất và bảo vệ môi trường: tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của Nhà máy; quản lý an toàn thông tin; bảo vệ bí mật nhà nước; đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.
          - Sử dụng hiệu quả nguồn vốn sản xuất kinh doanh: đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu sản xuất; kiểm soát chi phí hợp lý ngay từ khâu lập kế hoạch, dự toán đến triển khai thực hiện và thanh quyết toán, đảm bảo minh bạch và trách nhiệm giải trình; triển khai tích cực, hiệu quả chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng trong mọi hoạt động của Nhà máy.
          - Tăng cường kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ: tích hợp hiệu quả giữa chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, kiểm soát và giám sát của hệ thống kiểm soát nội bộ; triển khai có hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ đối với hoạt động của các đơn vị; đảm bảo tính tuân thủ, thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời và việc quản lý, sử dụng các nguồn lực an toàn, hiệu quả, tiết kiệm; phát huy và trò độc lập của kiểm toán nội bộ.
          - Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: kiến tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, cởi mở; thúc đẩy việc trao đổi, hợp tác và gắn kết của toàn thể cán bộ công nhân viên Nhà máy; đảm bảo sự tôn trọng, công bằng, bình đẳng trong ứng xử và trong công việc; chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo quyền lợi, các điều kiện làm việc đối với người lao động.
          - Đảm bảo khả năng sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác do Ngân hàng Nhà nước giao.