Một chiều với vị giám đốc Nhà máy In tiền đầu tiên

Đăng ngày: 16/04/2021 -

Nhà máy In tiền Quốc gia đang tiến tới mốc tròn 30 năm thành lập. Gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nhà máy là tên tuổi của 5 người đứng đầu gồm: Nguyễn Nghĩa Bình, Bùi Công Lư, Đinh Quý Bảo, Nguyễn Văn Toản và Lê Thái Nam - người đương nhiệm hôm nay.

 

Để hiểu thêm về lịch sử xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia thời kỳ đầu mới thành lập, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Nghĩa Bình, vị Giám đốc đầu tiên và “tại vị” lâu nhất - lên đến 12 năm. Ông cũng là người trong cuộc hiếm hoi có vốn hiểu biết tường tận, đầy đủ về nhà máy từ khi mới chỉ là ý tưởng, chủ trương đến khi nhà máy hình thành, đi vào hoạt động, trở thành một trong những công trình trọng điểm quốc gia ngày đó với trang thiết bị kỹ thuật công nghệ mới nhất, hiện đại ngang tầm thế giới lúc bấy giờ.

 

mot chieu voi vi giam doc nha may in tien dau tien
Ông Nguyễn Nghĩa Bình, vị Giám đốc đầu tiên của Nhà máy In tiền Quốc gia
 
 

Tiếp chúng tôi tại tư gia, mặc dù đã được ông Bùi Công Lư, nguyên Giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia, người kế nhiệm khi Giám đốc Bình nghỉ hưu giới thiệu, nhưng thoạt tiên, ông vẫn tỏ ra ngại ngần và cẩn trọng khi tiếp xúc. Chỉ đến khi chúng tôi gợi nhắc tới những kỷ niệm xưa, về cái thời kỳ đầu đầy gian khó khi nhà máy mới sơ khai thành lập mà ông Bình còn trên cương vị là giám đốc thì câu chuyện của chúng tôi mới trở nên gần gũi, cởi mở...

 

Như chạm vào một phần sâu thẳm, thiêng liêng nhất trong cuộc đời, khi nhắc tới nhà máy, giọng ông Bình trở nên rưng rưng, xúc động... Nói về Nhà máy In tiền Quốc gia những ngày đầu mới thành lập – ông trải lòng: “Đó là cả một câu chuyện dài vô cùng, đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng biết bao điều thú vị mà khó có thể kể hết trong một sớm một chiều. Chỉ nói riêng về hoàn cảnh lịch sử ra đời của nhà máy thôi đã là cả một trang sử đặc biệt với biết bao kỷ niệm khó quên.

 

Ông nhớ lại, vào quãng năm 1980, khi nhận định tình hình chính trị thế giới sẽ có nhiều bất ổn, việc dựa vào các nước XHCN ngày đó để in tiền sẽ có nhiều rủi ro, vừa sẽ không đảm bảo an ninh tiền tệ, vừa không đảm bảo an ninh quốc gia, nên năm 1983, Bộ chính trị đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng một Nhà máy In tiền Quốc gia. Đến năm 1984, dự án mang bí danh K84 đã chính thức được Chính phủ phê duyệt xây dựng tại Cổ Nhuế, Hà Nội. K84 xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia là một công trình trọng điểm đặc biệt của Nhà nước ngày ấy.

 

Lúc đó, các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đều đánh giá rất cao về tầm quan trọng, tính cấp thiết và gấp rút về việc phải có một Nhà máy In tiền Quốc gia để có thể độc lập tự chủ về in ấn đồng tiền.

 

Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực tế lại là cả một vấn đề không hề đơn giản. Mặc dù việc tự in tiền có hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với thuê nước ngoài in, nhưng chi phí ban đầu để xây dựng một nhà máy in tiền là rất tốn kém, bởi máy móc thiết bị in tiền thuộc loại công nghệ cao, đặc biệt và lúc bấy giờ trên thế giới chỉ có một hãng duy nhất chế tạo, trong khi đó nền kinh tế của nước ta những năm trước năm 1990 vô cùng khó khăn. Vậy là kinh phí, con người, trình độ công nghệ... tất cả đều là những bài toán hóc búa không hề dễ giải. Đụng đâu khó đấy.

 

Đó chính là những lý do căn bản khiến sau 2 năm kể từ khi có Quyết định thành lập mà dự án vẫn chưa tiến triển được gì. Trước sự chậm trễ này, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởngVõ Văn Kiệt khi ấy đã vô cùng sốt ruột. Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, đến năm 1985, một bộ máy nhân sự được khẩn trương thành lập. Và, Giám đốc Ban quản lý dự án K84 lúc đó không ai khác chính là ông Nguyễn Nghĩa Bình.

 

Nhắc đến đoạn này, giọng ông Bình trở nên hoạt náo: “Tôi lúc đó đang làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng (tiền thân của BIDV ngày nay) – một công việc đang rất tốt và ổn định, bỗng nhiên “bị” lãnh đạo Ngành gọi lên giao nhiệm vụ, điều động sang làm Giám đốc dự án K84. Một dự án vừa khó khăn vừa mới mẻ - phải đảm trách một công việc  mà trước đó rất nhiều người đã chối từ không tham gia. Vì vậy lúc đó tôi cũng đã tìm nhiều cách từ chối không chịu sang. Thế nhưng chẳng những tôi không bị khiển trách vì “chống lệnh”, mà lại còn được khích lệ: “Chúng tôi đánh giá anh là người làm được nên mới bố trí anh vào vị trí này”.

 

Không chỉ thế, đích thân Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ cũng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện cho các anh hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nếu các anh không đảm bảo xây dựng công trình đúng tiến độ, làm hỏng kế hoạch chiến lược của Bộ Chính trị, của Chính phủ thì các anh lãnh đủ!”. “Trước những áp lực như vậy, tôi hiểu mình đã không còn đường lùi mà chỉ còn một cách duy nhất là phải tiến về phía trước, mặc dù trong lòng rất lo lắng. Thật may, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã đặc cách cho tôi trình phương án xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia bằng viết tay và bút phê luôn bên cạnh rồi đóng dấu trực tiếp của Văn phòng Chính phủ. Nhờ có bút phê của ông với lệnh yêu cầu các bộ, ngành phải phối hợp tham gia để xây dựng nhà máy đảm bảo đúng tiến độ mà đi đến đâu, tôi cũng được các bộ, ngành ủng hộ” - ông Bình chia sẻ.

 

Có “cây gậy thần” trong tay rồi, vấn đề tiếp theo là phải có luận chứng kinh tế-kỹ thuật. Nó phải bao gồm các thiết kế kỹ thuật, thiết kế công nghệ… và tiến độ từng bước đối với các hạng mục như thế nào... Mặc dù trước đó, ông Bình từng là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng, chuyên về quản lý công trình chung, kể cả những công trình lớn của Nhà nước và có biết chút ít về xây dựng cơ bản, nhưng khi tiếp nhận K84, ông vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn. Bởi đó là một công việc không hề đơn giản, cùng lúc phải xây dựng 3 luận chứng kinh tế-kỹ thuật như vậy, đòi hỏi phải là người giàu kinh nghiệm và rất thạo nghề. Không chỉ vậy, ông còn phải quản lý từng chuyên mục nhỏ, cụ thể, chi tiết nên mọi khâu đều phải biết kỹ càng, cụ thể như một kỹ sư chuyên ngành của tất cả các hạng mục. “Vì là người đứng đầu công trình, phải có trách nhiệm ký các văn bản, nên tôi phải lao đầu vào vừa làm vừa học. Học để biết về chuyên môn, biết họ làm đúng hay sai, biết để ký văn bản không trật”, ông giãi bày.

 

Thế rồi, mọi việc cơ bản cũng đã hoàn tất, bản thiết kế kỹ thuật sau 3 tháng nỗ lực cuối cùng cũng đã xong. Mặc dù, đây là công trình liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau như: Bộ Xây dựng, Bộ Công an (A17 - An ninh kinh tế, C15 và an ninh kỹ thuật), Bộ Lao động (tiền lương), Bộ Tài chính... nhưng một phần do bản thiết kế kỹ thuật anh em kỹ sư làm rất kỹ càng, có chữ ký giám đốc dự án, phần nữa do những người đứng đầu các bộ, ngành đều đã “nhận được lệnh” từ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho K84, nên đến đâu, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đều yên tâm ký duyệt và ủng hộ. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phan Ngọc Tường lúc bấy giờ còn cho thành lập riêng một phòng thiết kế đặc biệt đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cho K84. Vì từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ thiết kế những công trình nhỏ với thiết bị nhập toàn bộ, chứ chưa bao giờ phải tự thiết kế hoàn toàn cho một công trình lớn và quan trọng như thế này bao giờ.

 

Để triển khai dự án, ông Bình được giao 50 người, nhưng ông Bình chỉ cần một số ít người làm được việc. Với gần 10 người trong giai đoạn khởi sự, mấy anh em lăn lộn, làm ngày làm đêm, chỉ một tâm niệm làm cho xong, cho kịp với tiến độ đã đặt ra.

 

Thế rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Trên mảnh đất hoang vu thuộc vùng Cổ Nhuế năm xưa đã sừng sững mọc lên một Nhà máy In tiền Quốc gia  bề thế, khang trang. Nguyên giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia Bùi Công Lư, tiếp lời vị giám đốc tiền nhiệm của mình như một sự thấu cảm, chia sẻ: Ngày 22/4/1991, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt - ký quyết định thành lập Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam. Sau 46 năm kể từ khi thành lập nước, Việt Nam đã xây dựng được cho mình một nhà máy in tiền hiện đại ngang tầm thế giới, có thể in được tất cả các loại mệnh giá tiền, các loại tiền yêu cầu từ đơn giản đến phức tạp, được nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá là một việc làm vô cùng sáng suốt và thắng lợi của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 1991, hoàn toàn chủ động trong thiết kế, in ấn, phát hành tiền, đảm bảo an ninh và chủ quyền về tiền tệ, đánh dấu sự thay đổi mang tính đột biến rất đáng tự hào của ngành in tiền nước ta.

 

*****

 

Kể từ khi “định mệnh” gọi tên ông trên cương vị Giám đốc Ban quản lý Dự án K84 Nguyễn Nghĩa Bình, giờ đây, ngoảnh lại sau 30 năm, vị tiền bối năm xưa đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Lịch sử ngành Ngân hàng đã ghi tên ông, một trong những người lát những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng Nhà máy In tiền Quốc gia hiện đại hôm nay. Và ông cùng cộng sự đã góp phần để lại cho lịch sử những dấu ấn của thế hệ mình bằng chính những đóng góp đáng ghi nhận vào sự khởi đầu gian nan mà đáng nhớ đó. Ông cũng chính là sự tiếp nối cho các thế hệ lãnh đạo và nhân viên sau này cùng viết tiếp những trang sử mới hào hùng trong sự nghiệp in tiền Việt Nam.

 

Thế rồi cái ngày mong đợi ấy cũng đã đến. Trên mảnh đất hoang vu thuộc vùng Cổ Nhuế năm xưa đã sừng sững mọc lên một Nhà máy In tiền Quốc gia  bề thế, khang trang. Nguyên giám đốc Nhà máy In tiền Quốc gia Bùi Công Lư, tiếp lời vị giám đốc tiền nhiệm của mình như một sự thấu cảm, chia sẻ: Ngày 22/4/1991, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt - ký quyết định thành lập Nhà máy In tiền Quốc gia Việt Nam. Sau 46 năm kể từ khi thành lập nước, Việt Nam đã xây dựng được cho mình một nhà máy in tiền hiện đại ngang tầm thế giới, có thể in được tất cả các loại mệnh giá tiền, các loại tiền yêu cầu từ đơn giản đến phức tạp, được nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đánh giá là một việc làm vô cùng sáng suốt và thắng lợi của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 1991, hoàn toàn chủ động trong thiết kế, in ấn, phát hành tiền, đảm bảo an ninh và chủ quyền về tiền tệ, đánh dấu sự thay đổi mang tính đột biến rất đáng tự hào của ngành in tiền nước ta.

 

Hà An