Hội thảo định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu

Đăng ngày: 27/10/2015 - Ngân hàng Nhà nước Việt nam

 
 
 
Ngày 23/10/2015, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Điện tử Diễn đàn Đầu tư (Bizlive) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu”. Hội thảo do PGS. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và ông Nguyễn Cao Cương - Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Bizlive đồng chủ trì.
 
 
 
 
 
 

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia; đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); các chuyên gia tài chính - ngân hàng hàng đầu của Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần; hơn 200 khách mời và phóng viên của các cơ quan báo chí. Hội thảo đã tập trung thảo luận vào ba nội dung chính. Cụ thể là:

- Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), giảm số lượng các ngân hàng yếu kém trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu, lãi suất huy động và cho vay, niềm tin của thị trường và người dân đối với VND thế nào, nợ xấu đã được xử lý ra sao;

- Định hướng tái cơ cấu các TCTD trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của các TCTD, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tiềm lực tài chính, áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế trong hoạt động ngân hàng, v.v;

- Giải đáp những vấn đề đang được dư luận quan tâm về tái cơ cấu ngân hàng như: Tại sao lại mua các ngân hàng yếu kém với giá không đồng; cơ sở pháp lý nào? Việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong thời gian qua; tình hình hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập, hợp nhất được cải thiện như thế nào, v.v.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một nhiệm vụ chiến lược lớn, được NHNN triển khai quyết liệt trong 4 năm qua, đồng thời là một chủ đề thảo luận nóng bỏng trên các diễn đàn và các phương tiện thông tin đại chúng. TS. Trần Đình Thiên đánh giá, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và rõ rệt, hệ thống ngân hàng đã thoát khỏi nguy cơ đỗ vỡ và góp phần giúp nền kinh tế trụ vững trước những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, nâng cao niềm tin của xã hội đối với hệ thống ngân hàng. Đáng chú ý, tính kiên định và bản lĩnh của NHNN trong việc tái cơ cấu các TCTD được đánh giá cao. Đây cũng chính là nguyên nhân đạt được những thành quả hôm nay. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, nợ xấu giảm mạnh chỉ còn khoảng 2,9%, thị trường tiền tệ và tỷ giá ổn định, số lượng TCTD yếu kém giảm mạnh…Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý, sự phối hợp của các bộ, ngành và tái cơ cấu của các lĩnh vực khác của nền kinh tế, nhất là việc tái cơ cấu các doanh nghiệp, sự hỗ trợ về thuế của Chính phủ. Để thành công trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, phải căn cứ vào những căn nguyên gây ra khuyết tật hệ thống của nó để khắc phục, nghĩa là phải chữa cả những căn bệnh của nền kinh tế “dính” đến ngân hàng. Nếu hệ thống doanh nghiệp còn tiếp tục yếu kém như hiện nay, thì rất khó có thể xử lý vấn đề nợ xấu trong khuôn khổ tái cơ cấu….

 

image

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng có nhiều tham luận và ý kiến nhận định về quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua. Nhìn chung, các ý kiến tham luận đều đánh giá quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đúng hướng, đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao niềm tin của xã hội đối với hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo thông lệ quốc tế, định vị hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với 4 năm trước đây. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

HTT